• 1662 lượt xem
  • 04:55 06/03/2022
  • Kinh tế

Tiêu điểm: Chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát tăng - Thách thức trong điều hành kinh tế hậu đại dịch

Những tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu liên tục điều chỉnh tăng cùng với giá lương thực, thực phẩm tăng... gây áp lực lên chỉ số CPI và lạm phát. Điều này đặt ra áp lực thực hiện mục tiêu CPI của năm 2022 sẽ không dễ dàng, và cần nhiều kịch bản điều hành trong bối cảnh dịch Covid-19, đòi hỏi điều hành giá, giám sát thị trường, cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát.

Giá cả nhiều mặt hàng tăng mạnh gây áp lực lên CPI 

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã tăng 6 lần liên tiếp. Đây được coi là 1 trong những nguyên nhân chính đẩy chỉ số giá tiêu dùng CPI 2 tháng đầu năm nay tăng, gây áp lực lên lạm phát. Bởi theo thống kê, chi phí xăng dầu chiếm khoảng
3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Trong năm 2021, các yếu tố làm gia tăng áp lực lên mặt bằng giá chủ yếu là do biến động tăng giá nguyên, vật liệu trên thế giới, chi phí vận chuyển logistics tăng cao. Bước vào những tháng đầu năm 2022, những nguyên nhân chính khiến CPI tăng chính là giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá lương thực, thực phẩm, và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Có thể thấy, một loạt các mặt hàng tăng giá thời gian qua đã và đang gây áp lực lên CPI.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI 2 tháng đầu năm 2022 tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,67%. Trong đó CPI tháng 2 tăng 1% so với tháng trước, với 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tăng giá, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Nhiều người tiêu dùng chia sẻ, việc điều chỉnh giá xăng, dầu gần đây đã khiến nhiều mặt hàng điều chỉnh tăng giá theo, và nhiều gia đình buộc phải cân đối lại tài chính và thắt chặt chi trong tiêu dùng hàng ngày.

Anh NGUYỄN GIANG NAM - Người tiêu dùng: “Cứ sau 1 khoảng thời gian sự tăng giảm của xăng nó không được ổn định. Cơ quan điều hành cơ quan quản lý giá xăng của Bộ Công thương nên xem xét lại giá xăng cho giá xăng nó ổn định hơn để cho người dân yên tâm hơn.”

Tiểu thương chợ Hôm: “Chợ búa vắng tanh không có người đi chợ, vì bây giờ dịch bệnh như này hàng quán, quán xá cũng nghỉ hết, người dân người ta cũng không kiếm được đâu, mà chi phí bây giờ cái gì cũng đắt đỏ… người dân lo lắng lắm, oải lắm, nói chung bây giờ gì cũng khó khăn.”

Chị NGUYỄN THỊ HIỀN - Tiểu thương chợ Hôm: “Cái gì cũng tăng, rau rất đắt, đắt gấp đôi gấp 3… thịt cá cũng lên, ảnh hưởng đến cuộc sống, điện nước cũng tăng, buôn bán kém, chi phí lại lớn hơn.”

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 2 tăng 1,54% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,52 điểm phần trăm. Ngoài ra, giá vàng trong nước tăng biến động cùng chiều với giá vàng thế giới, khi lạm phát các quốc gia tăng cao và lo ngại ảnh hưởng của giao tranh giữa Nga – Ukraine. Dù vậy, trong 2 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản bình quân tăng 0,67% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,68%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá xăng, dầu và lương thực tăng.

Đề xuất giải pháp đảm bảo cho mục tiêu lạm phát 4%

Theo các chuyên gia, Việt Nam là nền kinh tế mở, nên chịu tác động rất mạnh, áp lực lớn đối với công tác điều hành giá. Đặc biệt, trước tình hình áp lực lạm phát tăng cao, ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới có động thái thắt chặt tiền tệ và tăng lãi suất để ứng phó. Nhiều nước phát triển dự báo lạm phát tăng khoảng 4%, trong khi các thị trường mới nổi tăng gần 6%. Trong bối cảnh này, lạm phát năm 2022 được dự báo sẽ đối mặt với nhiều áp lực, và cần căn cứ tình hình thực tế, để có phương án điều hành phù hợp.

Việc giá nhiều mặt hàng liên tục tăng sẽ khiến chỉ số giá cả hàng hóa tăng trở lại, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, các chuyên gia nhấn mạnh, cần phải tiếp tục đẩy mạnh việc giám sát thị trường, cũng như trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bởi đây sẽ là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả nhiều mặt hàng.

PGS.TS. ĐINH TRỌNG THỊNH - Chuyên gia Kinh tế, Học viện Tài Chính: “Chúng ta cũng phải xem xét việc tăng giá của một số mặt hàng thiết yếu và dịch vụ công trong nền kinh tế, rải ra trong từng thời điểm nhất định để không làm xáo trộn giá cả cũng như tạo ra sự đột biến trong chi tiêu cũng như đời sống xã hội, để làm giảm thiểu sự tăng của chỉ số CPI.”

Mới đây, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 02/2022, đại diện Bộ Công thương khẳng định, do tình hình biến động của mặt hàng xăng dầu trên thế giới, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo, 2 ngày một lần, Tổ điều hành xăng dầu liên Bộ Công Thương-Tài chính rà soát về tình hình biến động của giá xăng dầu, để nếu cần thiết sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc có điều chỉnh giá xăng dầu sớm hơn so với quy định tại Nghị định 95 hay không.

Ông ĐỖ THẮNG HẢI - Thứ trưởng Bộ Công Thương: “Bộ Công Thương cũng đã kiến nghị với các cơ quan liên quan để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu như: Kiến nghị ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện về thủ tục và tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để kịp thời nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức được Bộ Công Thương phân giao bổ sung; Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện về thủ tục nhập khẩu đối với các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối nhập khẩu theo hạn mức đã được Bộ Công Thương phân giao…”

Trong năm 2022, nhiều tổ chức quốc tế dự báo CPI của Việt Nam tăng khoảng 3,5-4%; rủi ro vượt 4% phụ thuộc vào giá cả hàng hóa thế giới. Đáng chú ý, gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023 sẽ phần nào gây áp lực lên lạm phát. Do đó, để giúp kiềm chế lạm phát tăng cao trong năm 2022, các chuyên gia nhấn mạnh, cần nâng cao hiệu quả trong phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ trong điều hành cung tiền, lãi suất, trung hòa lượng tiền vào và ra, điều tiết giá cả.

Ông TIM LEELAHAPHAN - Chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered: “Việt Nam cần cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát, bởi đây là yếu tố cần để các bạn đạt được đà tăng trưởng bền vững. Nếu Việt Nam thực hiện thành công nhiệm vụ này, các nhà đầu tư trên thế giới sẽ tự tin hơn vào nền kinh tế Việt Nam, từ đó giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn với cộng đồng các nhà đầu tư trong trung và dài hạn.”

Kịch bản nào cho điều hành CPI năm 2022

Năm 2022, Việt Nam đặt ra mục tiêu CPI tăng khoảng 4%. Theo các chuyên gia, đây là quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ, tuy nhiên việc thực hiện mục tiêu CPI của năm 2022 sẽ không dễ dàng, và cần nhiều kịch bản điều hành giá phù hợp với điều kiện thực tế. Đặc biệt các kịch bản về CPI chủ yếu xây dựng theo giá dầu thô (dưới 100 USD/1 thùng). Hiện nay giá dầu thô trên thị trường thế giới đã vượt mốc 100 USD/1 thùng và các dự đoán còn tiếp tục tăng thêm. Do đó cần có nhiều giải pháp chủ động và linh hoạt trước tình hình thực tế. 

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có trao đổi với với ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài Chính.

Phóng viên: Theo tính toán, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng 0,55% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4%. Theo ông, cần có những kịch bản điều hành như thế nào cho 10 tháng còn lại của năm 2022?

Ông NGUYỄN ANH TUẤN - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài Chính: “Vừa rồi cơ quan thường trực Bộ Tài Chính cũng đề xuất với ban chỉ đạo điều hành giá trong đó xây dựng ba kịch bản cũng tính đến giá xăng dầu. Có những kịch bản giá xăng dầu tăng tương đối thấp, có kịch bản tăng trung bình và có kịch bản xăng dầu tăng tương đối cao. Trong các kịch bản đều có dự báo ước CPI tác động lên nó tăng từ 3,42%-4,3% . Như vậy có kịch bản chúng ta đều có những tính toán làm sao cho phù hợp, đặc biệt trong các kịch bản một nhóm các loại hàng hóa dịch vụ thực hiện theo lộ trình, chúng tôi cũng tính toán và kiến nghị rất cụ thể đối với từng nhóm mặt hàng trong đó có kiến nghị là trong tháng 3 và tháng 2 không nên điều chỉnh và chúng ta chỉ Xem xét điều chỉnh trong quý 3 quý 4 và nếu có dư điện lạm phát thì chúng ta sẽ điều chỉnh tiếp tục theo lộ trình của thị trường.

Chúng ta cũng cần phải tăng cường công tác giám sát thị trường, thanh tra kiểm tra các mặt hàng thực hiện kê khai giá và niềm ít giá để đảm bảo các doanh nghiệp cung ứng ra thị trường một cách phù hợp với mức giá đã thực hiện. Cái thứ ba một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu bộ công thương phối hợp với bộ tài chính để làm sao điều hành giá xăng dầu cho nó phù hợp với tình hình giá xăng dầu thế giới và đạt được mục tiêu bình ổn giá cả thị trường trong nước Kiểm soát lạm phát. Một số mặt hàng khác như vật tư y tế cũng phải quản lý theo những quy định của chính phủ cũng như nghị quyết của ủy ban thường vụ Quốc hội.”

Phóng viên: Mới đây, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính bám sát nội dung Nghị quyết số 152, trong đó nhấn mạnh việc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu dự thảo Luật Giá (sửa đổi) theo đúng tiến độ. Theo ông, điều này sẽ tác động như thế nào đến các kịch bản điều hành giá năm 2022?

Ông NGUYỄN ANH TUẤN - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài Chính: Vừa rồi Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 152 trong đó cũng có định hướng về vấn đề sửa đổi giá trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài Chính thì qua đó việc sửa đổi giá chúng tôi thấy rằng sẽ góp phần quan trọng trong vấn đề quản lý nhà nước về giá trong đó sửa đổi giá tập trung vào các nhóm vấn đề. Thứ nhất là chúng ta phải ra soát lại những bất cập trong quá trình thực hiện và có những bổ sung cho phù hợp. Thứ hai khi sửa luật giá cũng tạo nên tảng pháp lý để chúng ta tăng cường công tác tổng hợp phân tích dự báo, đặc biệt về vai trò quản lý điều hành giá của chính phủ và thủ tướng chính phủ. Thứ ba là tăng trách nhiệm của các bộ ngành trong việc phối hợp cùng chỉ đạo điều hành đặc biệt là cung ứng hàng hóa dịch vụ cho người dân theo đúng chức năng nhiệm vụ được CP phân công. Khi sửa luật giá lần này chúng ta cũng tập trung vào việc luật hóa việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá và cũng là nguồn để cung ứng, cung cấp thông tin cho người dân cũng như các cơ quan chức năng có nhu cầu về cơ sở dữ liệu quốc gia về giá.”

Thống kê cho thấy, việc giá xăng dầu tăng sẽ tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng, bởi giá xăng dầu nếu tăng 5% sẽ làm cho chỉ số CPI tăng khoảng 0,18%, còn nếu tăng 10% thì con số tương ứng sẽ là 0,36%. Do đó, mới đây, thực hiện quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có văn bản giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kinh tế và các cơ quan có liên quan thực hiện: Theo dõi, nắm bắt tình hình về sản xuất, nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu trong giai đoạn hiện nay và việc bình ổn thị trường xăng dầu trong nước; đồng thời, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu các cơ quan báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả giám sát trong tháng 3/2022

Ninh Tùng