• 2562 lượt xem
  • 07:02 10/04/2022
  • Kinh tế

Tiêu điểm: Nút thắt giải phóng mặt bằng và bài học từ dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1

“Nút thắt” trong công tác giải phóng mặt bằng đã khiến không ít dự án hạ tầng sử dụng nguồn vốn nhà nước đình trệ nhiều năm không còn là quá hy hữu. Những vướng mắc phát sinh từ trước đến nay đặt ra bài toán phải có hướng tiếp cận và cách xử lý hoàn toàn mới với vấn đề tưởng như quá cũ này.

Tình trạng “xôi đỗ” trong công tác giải phóng mặt bằng

Các công trình trọng điểm quốc gia như cao tốc Bắc Nam, sân bay Long thành là những công trình dự án lớn. Việc chậm giải phóng mặt bằng đã khiến nhiều dự án trọng điểm quốc gia này gặp khó trong quá trình thi công. Điển hình là tình trạng "xôi đỗ" mặt bằng, một số nhà dân chưa di dời khỏi khu vực công trình khiến việc thi công chưa thể phát huy hết công suất.

Dự án Nghi Sơn - Diễn Châu – một trong số 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đang trong quá trình thi công gấp rút để đảm bảo tiến độ. Tuy nhiên, một số điểm mặt bằng chưa giải phóng là vướng mắc lớn nhất hiện nay,

Ông NGUYỄN HUY CƯỜNG, Phó Trưởng phòng Điều hành DA 6, BQL Dự án 6, Bộ Giao thông Vận tải: Việc chậm mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ thi công, đặc biệt là việc xử lý nền đất yếu, nền cát, ảnh hưởng đến tiến độ gia tải và chịu lún của dự án.”

Còn tại dự án Sân bay Long Thành, việc triển khai dự án đang được thi công ở nhiều hạng mục quan trọng, nhưng tình trang “xôi đỗ” của mặt bằng khiến việc thi công trong tình trạng cầm chừng, chờ đợi mặt bằng. Đây cũng là vấn đề được đặt ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành diễn ra trong tuần qua.

Hiện nay, giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc nam giai đoạn 1 đã đạt trên 90%, dự án Sân bay Long Thành cũng đã bàn giao được hơn 80%. Mặc dù phần còn lại không nhiều, nhưng đây lại là đoạn “xương xẩu” nhất cần phải vào cuộc quyết liêt. Để tránh mùa mưa kéo dài đến 4-5 tháng tại nhiều địa phương, các nhà thầu đang phải tranh thủ thi công vào thời điểm thời tiết nắng ráo. Việc bàn giao mặt bằng sạch của các địa phương là một trong những yếu tố quyết định cho việc hoàn thành dự án.

Rào cản lợi dụng chính sách giải phóng mặt bằng

Đền bù giải phóng mặt bằng luôn là công việc phức tạp, đòi hỏi công tác xử lý phải theo đúng luật, nhưng phải nhận được sự đồng thuận của người dân. Những  khó khăn, vướng mắc về đơn giá, phương án đền bù, chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành... khiến giải phóng mặt bằng “nút thắt” lớn đối với việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công.      

Mới đây, người dân ở một số địa phương tự ý cơi nới nhà cửa, xây một số công trình trái phép trong phạm vi mặt bằng của dự án nhằm trục lợi chính sách đền bù khi biết dự án cao tốc Bắc Nam giai đoan 2 đi qua. Đây là câu chuyện điển hình của việc gây phức tạp cho công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Những bức tường rào xây vội, hay những ngôi nhà được dựng lên vội vã chỉ bằng gạch không nung, lợp phibroximang,.. được xây lên với tốc độ thần tốc, ngay trên khu vực đất mà người dân cho rằng đường cao tốc Bắc Nam sẽ chạy qua.

Anh NGUYỄN VĂN TUYÊN, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình: Khi gia đình xây dựng không biết sai trái. Khi xây dựng xong rồi thì xã cũng mời ra tuyên truyền, vận động thì gia đình cảm thấy sai nên đã tự thuê máy đập phá dỡ. Thì mình cũng phải làm cho đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước”

Xây dựng các công trình “đón đầu” chờ đền bù đã không còn là chuyện lạ tại nhiều huyện thuộc tỉnh Quảng Bình, nơi có dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 chạy qua. Một số hộ dân sau khi được vận động từ chính quyền địa phương đã dừng xây dựng trái phép và tự nguyện tháo dỡ

Ông NGUYỄN KHẮC TIỆP, xã Phú Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình: “Sau khi được xã về tận nhà tuyên truyền, vận động, gia đình tôi chấp hành chủ trương của xã nên gia đình tôi đã thuê người tháo dỡ để trả mặt bằng cho dự án”

Ông ĐẶNG ĐẠI TÌNH, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình: Qua đây chúng tôi cũng đề nghị các xã cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn nói chung, đặc biệt là các xã có các tuyến đường sắp tới sẽ đi qua, tuyệt đối không để người dân vi phạm; đề nghị người dân chấp hành các quy định của pháp luật”

Giai đoạn 2 của cao tốc Bắc – Nam tiếp tục thực hiện với tinh thần gấp gáp, khẩn trương với 729 km phải cơ bản hoàn thành trong năm 2025. Từ ngày 15.3 đến 30.4, Bộ Giao thông vận tải đã tiến hành cắm mốc bàn giao cho các địa phương giải phóng mặt băng. Tình trạng người dân trục chính sách đền bù đã được Bộ Giao thông vận tải nhận diện, phối hợp với các địa phương quản lý chặt chẽ vấn đề này.

Ông LÊ ĐÌNH THỌ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải: Qua phản ánh và kiểm tra, chúng tôi đã giao Ban quản lý dự án phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên nắm bắt, phát hiện và phản ánh kịp thời. Đến nay một số địa phương đã kịp thời ngăn chặn và Nhân dân bước đầu cũng có sự đồng tình.”

Tháo gỡ vướng từ công tác giải phóng mặt bằng ngay từ đầu sẽ tạo tiền đề quan trọng cho dự án cao tốc Bắc- Nam giai đoạn 2 nói riêng và các công trình trọng điểm quốc gia khác nói chung về đích đúng tiến độ.

Bài học giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1

Nhìn lại công tác triển khai cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, Thanh Hóa, Nghệ An từng là điểm nóng nhức nhối của công tác giải phóng mặt bằng. Với những giải pháp hiệu quả, đây sẽ  kinh nghiệm cho các địa phương khác trong việc triển khai công tác này.

Khi có chủ trương đầu tư cao tốc Bắc - Nam qua huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, nhiều hộ dân thi nhau tập kết vật liệu xây nhà cửa, ki-ốt trên diện tích đất dự kiến sẽ được đền bù . Nhiều giải pháp đã được lãnh đạo huyện tích cực triển khai. Kết quả, trong 6 địa phương ở Nghệ An có cao tốc đi qua, huyện Nghi Lộc là địa phương về đích giải phóng mặt bằng sớm nhất .

Ông NGUYỄN BÁ ĐIỆP, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, Nghệ An: “Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở nơi có dự án đi qua. Hai là làm tốt công tác dân vận. Ba là các chế độ chính sách được tìm hiểu và áp dụng đầy đủ cho người dân. Bốn là có cơ chế, hỗ trợ người dân những hạng mục phù hợp với thực tế.”

Ông LÊ HỒNG VINH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An: Bài học mấu chốt nhất là quản lý nhà nước làm chặt ngay từ đầu, làm chặt đến đâu thì bồi thường giải phóng mặt bằng tốt đến đó. Không chỉ giải phóng mặt bằng mà tất cả các việc khác nếu quản lý từ đầu, quản lý bài bản, có hệ thống và thường xuyên kiểm tra giám sát thì chắc chắn sẽ tốt.

Còn tại tại Thanh Hóa, cũng vào năm 2019, nhiều hộ dân ở thị xã Nghi Sơn cũng đã tự ý san lấp, tạo mặt bằng để xây nhà và cơi nới các công trình nằm trên đất lúa, nằm trong phạm vi thực hiện dự án cao tốc Bắc – Nam. Khi phát hiện ra dấu hiệu vi phạm, địa phương này tiến hành xử lý kịp thời.

Ông PHẠM ANH NHIỆM, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa: Những chính sách liên quan đến giải phóng mặt bằng thì phải làm đảm bảo, thường xuyên rà soát. Có những vấn đề trong luật chưa quy định, phát sinh thực tiễn thì phải nắm bắt kịp thời, phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết để bảo đảm quyền lợi cho người dân và phù hợp với quy định của pháp luật." 

Hiện nay, chính sách pháp luật về công tác giải phóng mặt bằng đã tương đối hoàn thiện. Tại điều 25, nghị định 47 năm 2014 của Chính phủ Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã quy định Chủ tịch UBND tỉnh có quyền áp dụng các hỗ trợ khác để phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đây được cho là “thanh bảo kiếm” quan trọng giao cho địa phương trong vấn đề xử lý vấn đề xác định mức giá đền bù hợp lý được nhiều địa phương áp dụng.

Ông LÊ MINH NGÂN, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Trong trường hợp không được bồi thường hỗ trợ, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định hỗ trợ khác để phù hợp với điều kiện hiện có. Đây là điều kiện hết sức tốt để các địa phương có thể căn cứ giải quyết trên cơ sở cụ thể đưa đến các quyết định khâu giải phóng mặt bằng”.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, tuyên truyền vận động người dân, cũng như sớm xây dựng khu tái định cư, bên cạnh đó, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm là những giải pháp hiệu quả, thành công đã được áp dụng tại Thanh Hoá, Nghệ An cũng như nhiều địa phương khác.

Trong báo cáo vào cuối năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong số gần 1.900 dự án chậm tiến độ của năm 2020 thì có tới 1.100 dự án gặp vướng mắc do công tác giải phóng mặt bằng. Đây không phải chỉ là câu chuyên của chỉ riêng năm 2020 mà còn của nhiều năm trước đó. “Giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ rất quan trọng, quyết định thành công của dự án. Công tác này phải được thực hiện rốt ráo quyết liệt nhưng cũng phải đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà nước và nhân dân”. Xin được dẫn lại câu nói này của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành vừa diễn ra tuần qua để kết thúc phần tiêu điểm của chúng tôi ngày hôm nay.  

Tiến Cường