Tiêu điểm: Tích hợp quy hoạch bài toán khó cho các đô thị lớn

Thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch là một trong 2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2022 được đặc biệt quan tâm. Dù mới là kết quả bước đầu, song báo cáo của các bộ, ngàng và địa phương đã chỉ rõ nhiều tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Trong đó việc lập, thực hiện quy hoạch và quản lý nhà nước vẫn chậm đổi mới theo yêu cầu của Luật Quy hoạch 2017.

>> Hà Nội là một trong hai thành phố trực thuộc Trung ương có tiến độ lập quy hoạch chậm nhất

Liên tục trong 2 tuần làm việc vừa qua, đoàn giám sát tối cao của Quốc hội đã có nhiều buổi làm việc với 6 bộ và các địa phương về việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch. Trước đó, kết quả giám sát bước đầu đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp tháng 2/2022, khi tiến độ việc lập quy hoạch quá chậm. Trong đó, mới có 4/38 ngành được phê duyệt, 1/6 vùng đang chờ phê duyệt và 62/63 tỉnh mới phê duyệt nhiệm vụ, chậm 2 năm so với kế hoạch của Chính phủ. 

Đáng chú ý qua các phiên làm việc vừa qua, còn nhiều ý kiến khác nhau về việc áp dụng phương pháp tích hợp theo quy định của Luật quy hoạch 2017. Đây là phương pháp hoàn toàn mới, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan nhà nước quản lý về quy hoạch giải thích là phương pháp thực hiện 5 cùng: là cùng làm, cùng thời điểm, cùng trên địa bàn, cùng một sự chỉ đạo, cùng một phân tích đánh giá cơ sở dữ liệu chung, nhằm đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững. 

Chậm quy hoạch do lần đầu thực hiện theo phương thức mới

Đến ngày 7/3/2022, Hà Nội mới được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch. Theo lãnh đạo Hà Nội, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 áp dụng phương pháp quy hoạch tích hợp, hình thức hoàn toàn mới so với trước đây. Trong khi đó, kinh nghiệm trong nước và quốc tế về nội dung này còn rất hạn chế. Các sở, ngành và thành phố lúng túng trong triển khai, chưa định hướng rõ được tính chất, nội dung, nội hàm, phạm vi nghiên cứu. 

Ông CHU NGỌC ANH, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội: “Đây là một công cụ rất quan trọng đi trước cho đầu tư phát triển, không chỉ cả nước mà còn cả của Thủ đô nữa nên chúng tôi sẽ gửi rõ cụ thể hướng dẫn của các ngành vừa rồi chung chung thế nào? chung như thế thì chúng tôi không giải quyết được ra sao? Để cùng tìm cách tháo gỡ.

Cùng với đó, thành phố Hà Nội cũng bối rối vì các quy định liên quan đến quy hoạch chung đô thị trong thành phố trực thuộc Trung ương. Hay quy định về việc phải thực hiện song song các quy hoạch cùng lúc, trong khi nhiều nội dung quy hoạch còn chưa được xác lập, chưa rõ định hướng. 

Ông DƯƠNG ĐỨC TUẤN, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội: “Quy hoạch hệ thống quốc gia có quy hoạch đô thị và nông thôn nhưng Luật sửa 37 Luật liên quan đến quy hoạch lại xác định quy hoạch xây dựng vùng huyện là quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành. Trong khi đó, quy hoạch nông thôn là cấp dưới của quy hoạch vùng huyện, vì quy hoạch nông thôn có quy hoạch chung xây dựng xã và quy hoạch điểm dân cư nông thôn.  Như vậy, quy hoạch nông thôn là quy hoạch cấp dưới của quy hoạch vùng huyện nhưng quy hoạch vùng huyện lại gọi là quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành còn quy hoạch nông thôn lại là hệ thống quy hoạch quốc gia. Chỉ một chi tiết như vậy đã cho thây sự mâu thuẫn.”

Đây cũng là vướng mắc của Thành phố Hồ Chí Minh, địa phương có tỷ trọng kinh tế lớn của cả nước nhưng cũng chậm lập quy hoạch nhất. Ngày 8/3 vừa qua, nhiệm vụ lập Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh mới được Hội đồng thẩm định, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý 2 năm nay. 

Ông ĐINH TRỌNG THẮNG, Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Đây là những công việc mới khó đòi hỏi những thay đổi trên diện rộng. Những khó khăn lúng túng xuất phát từ vấn đề chính như việc áp dụng phương pháp tích hợp, từ việc chia sẻ thông tin; khó khăn trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu trên toàn quốc cũng như từng cấp, từng ngành.” 

GS.TS ĐẶNG HÙNG VÕ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Hiện nay chúng ta tách riêng 2 loại quy hoạch. Một loại quy hoạch theo luật quy hoạch, trong đó bao gồm cả quy hoạch sử dụng đất. Một lại quy hoạch khác là quy hoạch chi tiết: gồm quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Nhưng hiện quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn chưa cụ thể. Quy hoạch đô thị theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị. Quy hoạch nông thôn lại theo quy đinh của Luật Xây dựng. Các quy định này chưa được làm mới để song hành với Luật quy hoạch 2017. Tôi cho rằng vấn đề quy hoạch vẫn chưa đồng bộ, chưa tạo ra được hệ thống có đầy đủ theo chiều dọc và chiều ngang”.

Bên cạnh đó, công tác lựa chọn đấu thầu tư vấn trải qua nhiều thủ tục, thiếu các đơn vị tư vấn đủ kinh nghiệm, năng lực cũng là nguyên nhân gây chậm thực hiện các quy hoạch tại các địa phương. Hiện tại, vẫn còn 49/63 quy hoạch tỉnh đang được triển khai thực hiện. Ngoài quy hoạch tỉnh, còn quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và đặc biệt là quy hoạch tổng thể quốc gia là khối công việc đồ sộ cần phải hoàn tất. Nếu chậm, thì có thể lỡ những cơ hội phát triển trong tương lai. Qua các phiên giám sát phần nào đã cho thấy rõ hơn "bức tranh" về tổ chức thực hiện công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực. Dù vậy, đúng như nhận định của các thành viên Đoàn giám sát, vẫn còn rất nhiều vấn đề phải được giải trình rõ ràng hơn, cụ thể hơn mới có thể tháo gỡ được những vướng mắc hiện tại, đẩy nhanh tiến độ và chất lượng các quy hoạch theo đúng tinh thần của Luật. Công tác giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật công tác quy hoạch sẽ được chúng tôi tiếp tục bám sát để đưa đến quý vị thông tin nhiều chiều.

15 lần xin ý kiến mới ban hành được văn bản hướng dẫn

Luật Quy hoạch 2017 có hiệu lực thi hành sau 1 năm, thời gian có hiệu lực dài hơn các luật khác sau ban hành. Nghị quyết số 11 về triển khai thi hành Luật được Chính phủ ban hành ngày 5/2/2018. Nhưng, cũng phải đến đầu tháng 5/2019, tức là sau 14 tháng, Nghị định 37 hướng dẫn luật mới được ban hành. Trong quá trình đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phải có 15 lần báo cáo văn bản gửi Thủ tướng xem xét, quyết định do có ý kiến khác nhau liên quan đến nội dung của dự thảo Nghị định. Ngay cả khi đã có văn bản hướng dẫn, cho đến thời điểm này, ngoại trừ Bộ Giao thông vận tải hoàn thành quy hoạch ngành đầu tiên, các bộ ngành còn lại vẫn chưa thống nhất được cách làm. Các thành viên Đoàn giám sát đã yêu cầu các Bộ chỉ rõ bất cập nảy sinh là do quy định chưa phù hợp hay do khâu tổ chức thực hiện?

Nhìn lại các buổi làm việc của Đoàn giám sát với các Bộ. 

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn: 4/4 Quy hoạch ngành Quốc gia chậm tiến độ

Bộ Công thương: 5/5 Quy hoạch ngành Quốc gia chậm tiến độ

Bộ Xây dựng: 2/2 Quy hoạch ngành Quốc gia chậm tiến độ

Bộ Tài Nguyên và Môi trường: Mới hoàn thành 1/6 Quy hoạch ngành Quốc gia

Hiện tại, vẫn còn 49/63 quy hoạch tỉnh đang được triển khai thực hiện. Ngoài quy hoạch tỉnh, còn quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và đặc biệt là quy hoạch tổng thể quốc gia là khối công việc đồ sộ cần phải hoàn tất. Nếu chậm, thì có thể lỡ những cơ hội phát triển trong tương lai. Qua các phiên giám sát phần nào đã cho thấy rõ hơn "bức tranh" về tổ chức thực hiện công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực. 

Dù vậy, đúng như nhận định của các thành viên Đoàn giám sát, vẫn còn rất nhiều vấn đề phải được giải trình rõ ràng hơn, cụ thể hơn mới có thể tháo gỡ được những vướng mắc hiện tại, đẩy nhanh tiến độ và chất lượng các quy hoạch theo đúng tinh thần của Luật. Công tác giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật công tác quy hoạch sẽ được Truyền hình Quốc hội tiếp tục bám sát để đưa đến quý vị thông tin nhiều chiều./.

Thanh Nga