• 1081 lượt xem
  • 08:44 10/05/2022
  • Kinh tế

Tìm kiếm giải pháp khơi thông dòng vốn để thị trường bất động sản không "bất động"

Nguồn vốn được coi là mạch máu duy trì hoạt động của thị trường bất động sản. Để các doanh nghiệp trên thị trường gia tăng tính chủ động thay vì phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, việc duy trì một thị trường vốn an toàn, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và các nhà đầu tư là rất cần thiết.

Để làm được điều này, cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ; sửa đổi, rà soát Luật Chứng khoán, hay nghiên cứu cho phép thành lập các định chế tài chính bất động sản chuyên biệt... Đây là thông tin được các đại biểu, chuyên gia đã đưa ra tại hội thảo “Khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản Việt Nam”.

Hiện nay, điều tiết dòng vốn cho thị trường bất động sản vẫn phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng. Do đó, việc tiếp tục duy trì và cải thiện dòng vốn cho thị trường bất động sản cần là một trong những ưu tiên chính sách trong giai đoạn tới. 

Ông VŨ TIẾN LỘC, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội: “Nguồn vốn trên thị trường chứng khoản và các quỹ đầu tư hay các thể chế tài chính phi ngân hàng khác sẽ đảm bảo cung cấp nguồn vốn dài hạn cho thị trường này. Do đó, cùng lúc tăng cường cấp vốn ngắn hạn và đồng thời phát triển các thể chế để thúc đẩy phát triển thị trường vốn trung và dài hạn khác. Cần có sự cải thiện rất đồng bộ của hệ thống thể chế, chính sách của chúng ta trong phát triển thị trường vốn và phát triển cung ứng tín dụng cho thị trường bất động sản.”

Ở các nước phát triển trên thế giới, phát hành trái phiếu doanh nghiệp là một công cụ huy động vốn phổ biến, đặc biệt là của những doanh nghiệp lớn, có uy tín. Thị trường trái phiếu Việt Nam những năm gần đây đã phát triển mạnh mẽ về quy mô tuy nhiên do thiếu một cơ chế giám sát và các chế tài đủ mạnh mang tính răn đe nên gần đây kênh thu hút vốn này này đã bộc lộ nhiều rủi ro cho thị trường. 

TS. LÊ XUÂN NGHĨA, Chuyên gia Kinh tế: “Rất nhiều doanh nghiệp bất động sản không dám nghĩ tới chuyện phát hành trái phiếu. Nếu họ không làm được điều đó và nếu họ không làm được điều đó một cách sớm nhất thì không khéo sẽ có đổ bể rất lớn. Bởi vì kỳ hạn của trái phiếu là 3 năm mà một dự án bất động sản kéo dài 5 - 7 năm. Họ phát hành một đợt trái phiếu và phát hành đợt thứ hai để trả nợ đợt thứ nhất. Bây giờ, chúng ta chặn lại, số phận các dự án doanh nghiệp này sẽ đi về đâu.” 

TS. VŨ TIẾN LỘC, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội: “Về trái phiếu có hai vấn đề. Một là những quy định của thị trường chứng khoán, quy định phát hành trái phiếu cần có quy định chuẩn mực đủ chặt chẽ nhưng thông thoáng để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Thứ hai là các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trên thị trường bất động sản phải đạt những chuẩn mực về quản trị nội bộ và vươn tới những chuẩn mực quốc tế để đạt được những hiệu quả cao và qua đó đảm bảo được lợi ích của nhà đầu tư.”

Cụ thể, cần hoàn thiện thể chế theo hướng sửa Nghị định 153/2020/NĐ-CP và Nghị định 156 phù hợp, rà soát Luật Chứng khoán (nhất là điều kiện nhà đầu tư chuyên nghiệp…), cần thiết có xếp hạng tín nhiệm, quy định phân nhóm các phân khúc bất động sản...Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn, cho phép thành lập các định chế tài chính bất động sản chuyên biệt.

Anh Đức