Tin thế giới ngày 07/04: Xung đột Nga – Ukraine có thể kéo dài trong nhiều năm

Liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nhận định cuộc xung đột tại Ukraine có thể sẽ kéo dài nhiều năm.

Phát biểu trước cuộc họp cấp ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng tình hình tại Ukraine đang bước vào giai đoạn quan trọng, cho rằng các bên cần nhìn nhận một cách thực tế rằng xung đột có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.

 Ông JENS STOLTENBERG, Tổng thư ký NATO: “Chúng tôi không thấy có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Nga Putin thay đổi chiến lược tại Ukraine vì vậy NATO cần chuẩn bị cho các kế hoạch dài hơi. Chúng tôi cần hỗ trợ Ukraine, duy trì các biện pháp trừng phạt Nga và tăng cường năng lực quốc phòng.” 

Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định nước này cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) và NATO để tăng cường sức ép với Nga thông qua các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức cũng khẳng định “NATO không trở thành các bên tham chiến".

Thủ tướng Đức OLAF SCHOLZ: “Mục tiêu của chúng ta là Nga sẽ không thắng trong cuộc xung đột này. Đó là mục tiêu đằng sau những gì mà chúng ta đang làm, từ cung cấp vũ khí, hỗ trợ tài chính, hỗ trợ nhân đạo, và khi nói tới việc tiếp nhận người tị nạn hoặc các biện pháp trừng phạt.”

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo Moskva không loại trừ khả năng cắt đứt quan hệ ngoại giao với phương Tây nếu hành động trục xuất các nhà ngoại giao Nga tiếp diễn. Ông Peskov nhấn mạnh yêu cầu cần thiết là nên duy trì các mối quan hệ ngoại giao, đặc biệt là trong tình hình hiện tại./.

ĐỀ XUẤT KẾ HOẠCH MARSHAL GIÚP TÁI THIẾT UKRAINE
Với những gì đang diễn ra hiện nay, Ủy viên Ngân sách châu Âu Johannes Hahn cho rằng Ukraine sẽ cần một kế hoạch tái thiết sau xung đột, tương tự kế hoạch mà Mỹ đã đề nghị với châu Âu sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
 
Một mô hình cập nhật của Kế hoạch Marshall dành cho Ukraine sẽ giúp nước này phục hồi nhanh chóng, thay vì phải mất nhiều thập kỷ, và sẽ giúp Kiev hội nhập nhanh hơn vào Liên minh châu Âu (EU). Mặc dù không đưa ra ước tính về số tiền cần thiết, nhưng Ủy viên Ngân sách châu Âu Johannes Hahn lưu ý rằng nỗ lực tái thiết Ukraine không thể do châu Âu gánh vác mà có lẽ cần có sự tham gia của của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), bao gồm cả Nga. Ông cũng nêu rõ để trang trải chi phí liên quan đến tiếp nhận hàng triệu người từ Ukraine sang các nước EU lánh nạn, các quốc gia thành viên có thể sử dụng một số khoản tiền được phân bổ theo ngân sách chung cho giai đoạn 2021-2027.
 
TUYÊN BỐ CHUNG THÚC ĐẨY CHÍNH SÁCH CHỐNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
 
Một loạt quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh các nước EU cần đẩy nhanh tiến trình đàm phán về các chính sách chống biến đổi khí hậu và hành động tham vọng hơn để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
 
Tuyên bố chung do Đan Mạch soạn thảo và có sự tham gia của Áo, Đức, Tây Ban Nha, Phần Lan, Ireland, Luxembourg, Latvia, Hà Lan, Thụy Điển và Slovenia. Các nước này chung quan điểm rằng đây là thời điểm để các quốc gia EU thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh. Tuyên bố cũng nhấn mạnh việc trì hoãn hay do dự hành động sẽ làm trầm trọng thêm sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung năng lượng từ bên ngoài. Các quốc gia thành viên EU và Nghị viện châu Âu đang thảo luận về một gói biện pháp chống biến đổi khí hậu, nhằm giảm 55% lượng khí thải nhà kính của EU vào năm 2030 so với các mức của năm 1990. EU cũng đang xây dựng chiến lược an ninh năng lượng để tiến tới chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung của Nga vào năm 2027. EU hy vọng các đề xuất này, nếu được thông qua, sẽ giúp giảm 30% lượng tiêu thụ khí đốt của khối vào năm 2030.

 

ĐỨC ĐẨY NHANH MỞ RỘNG NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO
 
Cũng nằm trong nỗ lực chống lại tình trạng biến đổi khí hậu, Chính phủ Đức đã thông qua kế hoạch sửa đổi luật lớn nhất trong nhiều thập kỷ nhằm đẩy nhanh việc mở rộng năng lượng tái tạo.
 
Theo kế hoạch của Chính phủ Đức, nhiều bộ luật khác nhau liên quan đến lĩnh vực năng lượng sẽ được sửa đổi một cách toàn diện trong thời gian tới. Kế hoạch này sẽ thúc đẩy việc mở rộng nhanh chóng và nhất quán năng lượng tái tạo. 
 
Ông ROBERT HABECK, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức: “ Kế hoạch sửa đổi luật lần này có thể được voi là câu trả lời cho câu hỏi lợi ích chính sách an ninh của Đức là gì. Cụ thể là độc lập, trước hết là thoát khỏi phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng hóa thạch của Nga cũng như nhập khẩu năng lượng nói chung".
 
Việc mở rộng năng lượng tái tạo trên đất liền và trên biển sẽ được triển khai mạnh mẽ với mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 80% tổng tiêu thụ điện của Đức đến từ các nguồn năng lượng tái tạo. Hệ thống điện mặt trời, điện gió trên đất liền và trên biển đều sẽ được tăng cường đầu tư mở rộng nhanh chóng. Các trở ngại pháp lý và quy trình rườm rà trong việc lập kế hoạch, phê duyệt dự án được loại bỏ; quyền lợi của người tiêu dùng và khả năng giám sát các nhà cung cấp năng lượng của Cơ quan Mạng lưới liên bang được tăng cường nhằm bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn nữa trong tương lai. 
 
 Ông ROBERT HABECK, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức: “Trọng tâm của kế hoạch này là tạo điều kiện thuận lợi và đẩy nhanh việc mở rộng năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió trên đất liền. Điều này phục vụ lợi ích của người dân, phục vụ lợi ích an ninh.”
 
Kế hoạch này là một phần trong chương trình nghị sự của Chính phủ Đức, được chuyển đến Quốc hội Đức để đưa vào chương trình lập pháp trong thời gian tới. Theo kế hoạch, các luật sẽ được sửa đổi gồm luật Nguồn năng lượng tái tạo, luật Năng lượng gió trên biển, luật Công nghiệp Năng lượng và một số luật liên quan khác./

 

ITALIA THÚC ĐẨY SỬ DỤNG XE ĐIỆN
 

Trong khi đó, Chính phủ Italia đã quyết định triển khai một gói kích thích trị giá 650 triệu euro (700 triệu USD) trong 3 năm tới nhằm khuyến khích người dân mua xe điện hoặc xe lai điện ít phát thải khí gây ô nhiễm môi trường.

Theo đó, những người mua xe điện hoặc xe lai điện phát thải thấp sẽ có thể được tặng thêm từ 2.000 - 3.000 euro. Đối với những người sử dụng các dòng xe thế hệ cũ, nếu chuyển đổi sang dòng xe mới thân thiện với môi trường này, ngoài khoản tiền thưởng trên, họ sẽ còn được tặng thêm 2.000 euro tiền mặt. Bộ Phát triển Kinh tế Italia cho biết với việc "bật đèn xanh" cho chương trình tặng thưởng nói trên, giới chức nước này đang thực hiện những bước đi cụ thể và được mong chờ đối với lĩnh vực ô tô, vốn đang chịu nhiều tác động từ đại dịch COVID-19, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và cuộc xung đột tại Ukraine./.  

 

Ngọc Anh