Tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam đang ở mức báo động

Đô thị hóa nhanh… các phương tiện giao thông cá nhân ngày càng nhiều. Đi cùng với đó là các loại khí độc hại như CO, CO2, NO2… gia tăng.

Trong hơn 20 năm qua, ô nhiễm không khí tại Việt Nam luôn tăng và có thể nhận thấy xu hướng sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Nếu không có biện pháp hạn chế sẽ là mối nguy hại với đời sống của mọi người, đặc biệt là người dân sống tại các đô thị lớn.

Ô nhiễm không khí là một vấn đề đáng báo động ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của con người cũng như của các loài động, thực vật trên thế giới. Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân xả thải gây ô nhiễm môi trường không khí và của toàn xã hội, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo nghị định quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải và lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Đề xuất này đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và cộng đồng xã hội.

Theo Bộ Tài chính, đây là khoản thu mới và dự kiến trước mắt chỉ quy định người nộp phí là các cơ sở xả khí thải như các doanh nghiệp sản xuất gang thép, luyện kim, sản xuất hóa chất vô cơ; phân bón vô cơ; thuốc bảo vệ thực vật hóa học; lọc, hóa dầu; tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại; nhiệt điện; sản xuất xi măng...

Về mức phí, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định xây dựng mức phí gồm 2 phần. Thứ nhất, phí cố định thu đối với mọi cơ sở xả khí thải là 3 triệu đồng/năm; Mức phí cố định được quy định theo năm, cũng có thể nộp theo quý. Thứ hai, phí biến đổi được thu bổ sung đối với 4 chất gây ô nhiễm môi trường có trong khí thải (gồm bụi tổng, NOx, SOx, CO) với mức thu từ 500 - 800 đồng/tấn đối với từng chất.

Bộ Tài chính tính toán khoản thu mới nếu được thực hiện sẽ giúp tăng thu ngân sách 1.200 tỷ đồng một năm. Số tiền này góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại địa phương nơi có nguồn thải gây ô nhiễm môi trường không khí làm ảnh hưởng môi trường xung quanh. 
 
Đó là ý kiến của đại đa số người dân khi được hỏi về dự thảo Nghị định thu phí khí thải đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến.

Còn theo ý kiến của các chuyên gia, việc thu phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với “các tác nhân gây họa” là cần thiết. Tuy nhiên, trong thực tế, cũng đã có nhiều loại thuế, phí BVMT. Nếu lại tiếp tục thu phí bảo vệ môi trường với khí thải sẽ xảy ra tình trạng “phí chồng thuế”.

Liên quan tới vấn đề có xảy ra trường hợp phí chồng phí khi triển khai đề xuất thu phí bảo vệ môi trường với khí thải hay không, tại buổi họp báo thường kỳ quý III của Bộ Tài chính diễn ra vào đầu tháng 10 vừa qua, phóng viên của chương trình COP26 Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã đặt câu hỏi về vấn đề này. Theo đó, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, sẽ không có tình trạng này xảy ra.  

Thực tế trong hơn 10 năm qua, Việt Nam đã triển khai thu thuế BVMT với 8 nhóm sản phẩm như xăng, dầu, mỡ, nhờn; than đá; túi nilon… Theo Bộ Tài chính, từ khi áp dụng thuế BVMT vào năm 2012, tổng số thu từ sắc thuế này liên tục tăng. Ngoài ra, còn có một số phí BVMT như đối với nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt, chất thải rắn, khai thác khoáng sản… Có thể thấy, các  doanh nghiệp sản xuất đang phải nộp khá nhiều loại phí và thuế BVMT. Vậy việc thu phí bảo vệ môi trường với khí thải ở điểm này có hợp lý hay không? Cần quy định thế nào để người dân và doanh nghiệp tiếp nhận?

Việc nghiên cứu, xây dựng nghị định phí bảo vệ môi trường đối với khí tương tự các nước phát triển và đang phát triển là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và Chính phủ, kiện toàn hệ thống pháp luật  về  phí, phù hợp với đòi hỏi từ thực tiễn và từng bước nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân xả thải và toàn xã hội.

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước hội nhập kinh tế sâu rộng với khu vực và thế giới, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực hiện thực hóa cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Song, vấn đề quan  trọng  hiện nay là phải lý giải rõ ràng hơn về đối tượng chịu phí, phương pháp tính phí, tổ chức thu phí và tính minh bạch trong sử dụng nguồn thu để bảo vệ môi trường. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam