• 1516 lượt xem
  • 16:19 04/01/2022
  • Kinh tế

Tọa đàm chuyên đề: Bàn phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ

"Cần có gói hỗ trợ với quy mô đủ lớn để phòng chống dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế , tuy nhiên cũng cần lưu ý đến những nguy cơ trong quá trình thực hiện để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, hướng đến đúng đối tượng" là ý kiến của các đại biểu tại Tọa đàm chuyên đề: Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế.

Tại tọa đàm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà khẳng định, để hỗ trợ nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cùng hệ thống ngân hàng sẽ đồng hành cùng nền kinh tế, tiếp tục duy trì thanh khoản cho hệ thống, ổn định mặt bằng lãi suất, không chủ quan với lạm phát.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ năm ngoái đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng trung ương trên thế giới đều trong trạng thái hỗ trợ nền kinh tế và chính sách tiền tệ của Việt Nam ở mức trung bình của thế giới. Thực tế, chính sách tiền tệ tác động ở hai khía cạnh là lượng và giá, tương hỗ nhau. Về lượng, mục tiêu của hệ thống ngân hàng là bảo đảm duy trì thanh khoản của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước đã điều hành bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế, các tổ chức tín dụng và cho các doanh nghiệp.

Ở góc độ thanh khoản cho nền kinh tế, cung ứng tiền của Ngân hàng Nhà nước  trong 2 năm qua đã hỗ trợ nền kinh tế rất lớn. Về thanh khoản cho các doanh nghiệp, do COVID-19 nên các doanh nghiệp gặp khó khăn về trả nợ, cho vay mới. Ngân hàng Nhà nước  đã kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các thông tư 01, 03 và 04, duy trì thanh khoản cho doanh nghiệp với điều kiện ngân hàng phải đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp trong tương lai, miễn giảm lãi suất cho khoản vay cũ và mới. Tính đến cuối tháng 11, dư nợ tín dụng tăng trên 10%, phù hợp mục tiêu đề ra là 12% trong năm nay. Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng có thể nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho tháng cuối cùng của năm 2021 nhằm bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm…

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trong triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế cần quán triệt nguyên tắc bám sát tình hình, tường minh, rõ ràng, nếu cần điều chỉnh chính sách phải thông báo nhanh chóng với thị trường. Nếu tình hình thực tế có thay đổi cần cho phép chuyển hóa nguồn lực thực hiện.

So sánh giữa dư địa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, TS Võ Trí Thành nhận thấy, dư địa chính sách tài khóa hiện nay tốt hơn rất nhiều khi xét trên các chỉ số nợ công, thâm hụt ngân sách, cũng như sự thuận lợi trong huy động nguồn lực trong và ngoài nước. Song, dư địa của chính sách tiền tệ có nhiều giới hạn khi bị giới hạn bởi tỷ lệ nợ tín dụng/GDP, lạm phát, nguy cơ tăng nợ xấu. Do vậy, trong thời gian tới nên tập trung thực hiện các chính sách tài khóa…

Trao đổi từ điểm cầu TP.Hồ Chí Minh, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh khẳng định Diễn đàn lần này có ý nghĩa khoa học và thực tế rất quan trọng đối với đại biểu Quốc hội, qua đó giúp đại biểu Quốc hội có tư liệu tham gia quyết định vấn đề quan trọng quốc gia trong thời gian tới.

Tán thành với các nhận định của các nhà khoa học, các chuyên gia đã nêu tại Diễn đàn về tác động của đại dịch COVID-19 và sự cần thiết có gói hỗ trợ để phòng chống dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế với quy mô đủ lớn để thực hiện phục hồi một cách nhanh nhất, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, khủng hoảng lần này xuất phát từ nguyên nhân y tế nên cần dành nguồn lực cho ngành y tế. Theo đó, cần đầu tư cho trang thiết bị, vaccine, thuốc điều trị và thu nhập cho y bác sỹ.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng cần có hỗ trợ diện rộng để tất cả người dân, nhiều ngành, lĩnh vực được thụ hưởng. Do đó, cần tiếp tục có gói hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ cho người yếu thế và lao động mất việc làm do dịch bệnh.