Tổng Bí thư chủ trì phiên họp đầu tiên của tiểu ban Nhân sự Đại hội Đảng lần thứ XIV

Hôm nay 13/3, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội 14 của Đảng đã chủ trì Phiên họp của Tiểu ban. Tham dự Phiên họp có các thành viên Tiểu ban, gồm các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban bí thư, Trưởng ban tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa hai kỳ Đại hội Đảng, là bộ tham mưu chiến đấu, hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân tộc. Đây là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, là tinh hoa của Đảng, đòi hỏi phải thật sự vững vàng, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ, có uy tín cao để giải quyết những công việc ở tầm chiến lược, xử lý kịp thời, đúng đắn, có hiệu quả những tình huống phức tạp liên quan đến sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, sự sống còn của chế độ. Do đó, cần phải khẳng định và thấm nhuần sâu sắc vị trí, ý nghĩa của công việc cực kỳ quan trọng này, không chỉ đơn thuần đối với việc tổ chức một Đại hội Đảng mà đây là công việc có ý nghĩa chiến lược gắn liền với vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ, sự phát triển của đất nước.

Tổng Bí thư, Trưởng Tiểu ban lưu ý, phải thật sự phát huy dân chủ trong việc phát hiện, giới thiệu nhân sự đi đôi với xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu; chống tư tưởng cục bộ, địa phương, thân quen, "cánh hẩu", "lợi ích nhóm"; tránh cách làm giản đơn, tuỳ tiện, vô nguyên tắc. Phải bằng mọi biện pháp dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, hống hách, gia trưởng, nịnh trên, nạt dưới, bao che cho tội phạm, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng. Phải kiểm tra, giám sát, đôn đốc thường xuyên. Cách làm là phải thận trọng, làm dứt điểm từng khâu, từng công đoạn, theo một quy trình chặt chẽ; làm đến đâu chắc đến đó, làm nhân sự Ban Chấp hành Trung ương trước, sau đó mới đến nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cuối cùng mới đến nhân sự lãnh đạo chủ chốt. Nếu có những công đoạn cần làm đồng thời thì cũng phải xem xét một cách chặt chẽ, chắc chắn, bảo đảm sự đồng bộ, khoa học...

Tổng Bí thư lưu ý, trong quá trình lựa chọn, bố trí, sắp xếp nhân sự cụ thể, cần thống nhất quan điểm là không quá cầu toàn, không quá tuyệt đối hóa. Điều quan trọng là phải biết phân biệt, đánh giá chính xác bản chất, mức độ các điểm mạnh, điểm yếu đó để không chọn nhầm người và phải có cách bố trí, sắp xếp nhân sự sao cho phù hợp để phát huy mặt mạnh, hạn chế mặt yếu của mỗi thành viên, bổ sung cho nhau, tạo ra một ê-kíp mạnh, một tập thể lãnh đạo tương đối hoàn chỉnh, không gây tổn thương cho lợi ích của Đảng, của quốc gia, của tập thể.

Tổng Bí thư, Trưởng Tiểu ban nhấn mạnh, phải xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương mạnh, một Bộ Chính trị mạnh, một Ban Bí thư mạnh, thật sự đoàn kết, thống nhất cao xung quanh người đứng đầu để đủ sức gánh vác trọng trách vinh quang nhưng rất nặng nề là lãnh đạo hoàn thành sứ mạng lịch sử, nhiệm vụ chính trị, tổ chức toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ra sức phấn đấu, vượt mọi khó khăn, gian khổ, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; đất nước ta ngày càng phát triển; nhân dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc, xứng đáng với niềm tin yêu và sự mong đợi của toàn Đảng, toàn dân./. 

Truyền hình Quốc hội Việt Nam