TP.Hồ Chí Minh: Vướng giải phóng mặt bằng, giá nguyên vật liệu tăng, dự án "thi công càng chậm càng ít lỗ"

Từ năm 2019, Ban Dân dụng và Công nghiệp TP.HCM đã tiếp nhận 110 dự án đã được thông qua chủ trương đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, tới nay còn một số dự án chưa được thực hiện do vướng công tác giải phóng mặt bằng.

Là 1 trong 110 dự án đã được thông qua chủ trương đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, tuy nhiên tới 14/4/2022 vừa qua, dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư xây dựng Trường Trung học phổ thông năng khiếu thể dục thể thao phục vụ thi công dự án Trung tâm đào tạo Vận động viên năng khiếu thể thao mới hoàn thành bàn giao mặt bằng. Có chủ trương, có vốn nhưng không thể thực hiện được do vướng mắc liên quan tới đền bù, giải toả, bố trí tái định cư là tình trạng chung của rất nhiều dự án đầu tư công tại TP.HCM. 

Ông LÊ QUỐC VIỆT, Ban QLDA ĐTXD các công trình Dân dụng và Công nghiệp TP.HCM: “Khó khăn về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là chính. Đối với Ban Dân dụng và Công nghiệp thì có 3 dự án bồi thường mà thời gian kéo dài”.

Nguyên nhân chủ yếu được xác định là giá bồi thường hiện nay còn cách xa, chưa tiệm cận với giá thị trường, dẫn tới nhiều hộ dân không đồng tình với các phương án di dời.

Ông LÊ TRƯƠNG HẢI HIẾU, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP. HCM: “Cái thấp của các năm trước là thường vướng công tác bồi thường nhưng năm nay là do giá vật tư, giá nguyên liệu tăng. Đơn vị thi công càng chậm lại càng ít lỗ.”

Do đó, để tháo gỡ khó khăn liên quan tới công tác giải phóng mặt bằng, tránh tình trạng kéo dài, phát sinh vốn do giá tăng giá vật tư, các đại biểu đề xuất HĐND TPHCM kiến nghị Quốc hội cho phép HĐND thành phố tách công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án độc lập đối với các dự án nhóm B trên địa bàn trong Nghị quyết thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố trong thời gian tới.

Thùy Vân