Tranh luận về thẩm quyền quản lý nhà nước trong Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, sáng nay, dưới sự chủ trì của chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử.

Thẩm quyền quản lý nhà nước trong Luật giao dịch điện tử (sửa đổi) là nội dung nhận được sự quan tâm lớn từ các ĐBQH. Thảo luận tại Hội trường, nhiều ý kiến nhấn mạnh: Cần quản lý đặc biệt và rà soát kỹ lưỡng quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ. Bởi loại chữ ký này cần mức độ an toàn kỹ thuật, tính bảo mật rất cao, dùng cho người, cấp có thẩm quyền nên mỗi văn bản giao dịch đều ảnh hưởng đến nhân dân, quốc gia, dân tộc.

Bày tỏ đồng tình giao Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện chức năng quản lý về giao dịch điện tử. Tuy nhiên, theo một số đại biểu đề nghị quy định giao bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định pháp luật về cơ yếu và giao dịch điện tử.

Tham gia tranh luận, nhiều đại biểu cũng cho biết, đối với quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dụng công vụ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất quan điểm cần phải phù hợp với chủ trương một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm chính.

Phát biểu giải trình làm rõ thêm ý kiến các đại biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy nêu rõ, theo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, chữ ký số chuyên dùng công vụ không thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, cơ yếu. Mặt khác, dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ, thực chất là dịch vụ công nhằm cung cấp chứng thư (phương tiện để ký số) trong giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước nên không thuộc phạm vi bí mật nhà nước.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!