Tranh luận làm rõ động cơ làm “quân xanh” trong vụ AIC

Chiều 26/12, tại phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC) và 35 bị cáo, các luật sư đã tham gia tranh luận, đưa ra nhiều quan điểm, luận cứ bào chữa cho các bị cáo.

Nội dung “quân xanh, quân đỏ” trong dự thầu được nhiều luật sư tập trung phân tích, nhằm đưa ra các lý do, động cơ để các bị cáo chấp nhận làm trái quy định của Nhà nước.

Trình bày tại tòa, các luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Thị Bích Thủy (Giám đốc Công ty TNT) đã nhất trí với quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát nhận định về hành vi của bị cáo Thủy là “đồng phạm giúp sức với vai trò không đáng kể”, đồng thời phân tính thêm động cơ chấp nhận làm “quân xanh” cho bị cáo Thủy.

Theo luật sư Đỗ Mạnh Trường, thời điểm năm 2012-2013, AIC là một doanh nghiệp lớn đa ngành, tham gia đấu thầu nhiều gói thầu thuộc Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai. Để bán thiết bị y tế vào dự án phải tham gia đấu thầu theo sự sắp xếp, điều hành của Công ty AIC. Theo cơ chế này, bị cáo Thủy phải chấp nhận làm “quân xanh”, “quân đỏ” cho Công ty AIC.

Toàn bộ việc tham gia đấu thầu từ mua hồ sơ mời thầu cho đến việc thiết lập và nộp hồ sơ dự thầu đều do Công ty AIC sắp xếp, Công ty TNT đứng tên tham gia đấu thầu 11 gói thầu và được cung cấp thiết bị vào 2 Gói thầu số 07 và số 65.Trong phiên xử chiều nay, các luật sư của 2 bị cáo bỏ trốn là Ngô Thế Vinh (Giám đốc Công ty Việt Tiên) và Đỗ Mỹ Hạnh (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cát Vân Sa) đã lần lượt cho biết thông tin thân chủ của mình đã gửi đơn tới Hội đồng xét xử để xin xét xử vắng mặt, không bị xác định là bỏ trốn và xin tự nguyện chấp thuận mọi phán quyết của Tòa.

Như vậy, đến nay đã có 5 trong tổng số 8 bị cáo bỏ trốn tự nguyện viết đơn gửi Hội đồng xét xử, bày tỏ nguyện vọng hợp tác với các cơ quan tố tụng, khi nào về Việt Nam sẽ tự giác chấp hành bản án của tòa.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam