Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới: Lắng nghe để điều chỉnh

Năm 2023 là năm thứ 4 ngành giáo dục- đào tạo triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trên phạm vi toàn quốc. Thế nhưng các nhà trường, địa phương và cả giáo viên vẫn liên tục phản ánh những khó khăn, bất cập khi thực hiện chương trình mới trong thực tế, như: thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên, vướng mắc trong dạy học tích hợp ở cấp trung học cơ sở…

Với tinh thần lắng nghe ý kiến từ cơ sở, trong 4 năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng liên tục có văn bản hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho các địa phương trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; chỉ đạo các cơ sở đào tạo giáo viên mở mã ngành đào tạo các môn học mới, đào tạo giáo viên dạy liên môn.

Với những vấn đề không thuộc phạm vi quản lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương để đề xuất giải pháp tháo gỡ. Dù đến cuối năm 2023 những khó khăn, vướng mắc khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tại các cơ sở giáo dục vẫn chưa thể giải quyết triệt để, nhưng nhiều chuyên gia và giáo viên đều đánh giá cao tinh thần cầu thị, lắng nghe của Bộ Giáo dục và Đào tạo và có những kiến nghị, điều chỉnh, hướng dẫn thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế. Chương trình và sách giáo khoa mới, lại được triển khai trong điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên hiện có, chưa có kinh nghiệm trong việc triển khai các môn học mới nên việc vừa thực hiện vừa chỉnh sửa cũng là điều dễ hiểu. Đổi mới là một quá trình, từ chính sách đến thực tiễn luôn luôn còn một khoảng cách. Bộ Giáo dục và Đào tạo với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước ban hành chính sách, vừa lắng nghe ý kiến phản hồi từ cơ sở vừa tiếp tục điều chỉnh Chương trình giáo dục phổ thông mới với mục tiêu đặt lợi ích của học trò và sự phát triển của ngành giáo dục lên trên hết. Tinh thần tiếp thu, thẳng thắng nhìn nhận những vấn đề vướng mắc khi triển khai chương trình trong thực tế và sẵn sàng thay đổi của cơ quan quản lý, cùng sự nỗ lực đồng lòng đổi mới của hơn 1 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trong toàn ngành là yếu tố để cả xã hội tin tưởng ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ đổi mới giáo dục trong những năm tiếp theo.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam