Trình 4 nhóm cơ chế chính sách đặc thù TP.Hồ Chí Minh

Sáng 26/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết.

Để phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết quy định thí điểm gồm 4 nhóm cơ chế, chính sách mang tính mới và kế thừa để giúp TP HCM phát triển gồm: Nhóm kế thừa từ Nghị quyết số 54, nhóm được quy định tại các Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác; nhóm được quy định tại các dự thảo Luật đang trình Quốc hội cho ý kiến; nhóm các cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa. Chính phủ đề xuất sau khi được thông qua, Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2023, thay thế Nghị quyết số 54 của Quốc hội và được thực hiện trong 5 năm.

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban tài chính ngân sách yêu cầu: Đối với nhóm chính sách thứ nhất kế thừa từ nghị quyết 54, cần rà soát, làm rõ từng chính sách đã phát huy tác dụng ở mức độ nào, tính cần thiết tiếp tục áp dụng. Với những chính sách kế thừa Nghị quyết 54 nhưng có sửa đổi, bổ sung, cần chú trọng trong khâu tổ chức thực hiện để bảo đảm hợp lý.

Với những chính sách đang được quy định tại các dự thảo Luật trình Quốc hội, Uỷ ban TCNS yêu cầu bám sát quá trình hoàn thiện các dự thảo luật khác, đồng thời, cần thận trọng, bảo đảm hợp lý trong mối tương quan với Luật Đất đai.

Về hiệu lực thi hành, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị cân nhắc vì chưa phù hợp với Điều 151 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tức là thời điểm có hiệu lực không được sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua. Trong khi đó, nếu được Quốc hội cho phép, dự thảo sẽ thông qua cuối tháng 6-2023./.