• 2501 lượt xem
  • 05:34 05/08/2022
  • Xã hội

Tự chủ đại học không phải là cắt đầu tư

Tự chủ không phải là tự do, tự lo – đây là quan điểm được các đại biểu thống nhất tại Hội nghị tự chủ đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức vào ngày 4/8. Tự chủ tài chính, vì thế cũng không có nghĩa là bỏ mặc các trường và cắt toàn bộ đầu tư của Nhà nước.

Tự chủ đại học trong thời gian qua đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận, góp phần tạo nên diện mạo mới cho nhiều cơ sở giáo dục đại học thực hiện thí điểm tự chủ.

Ông NGUYỄN KIM SƠN, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Cái đạt được của tự chủ đại học đặc biệt cần nhấn mạnh vấn đề đem lại cho con người, cải thiện đáng kể môi trường học thuật. Giai đoạn trước khi trường đại học có tiền mà không tiêu vào con người được mà loay hoay đi vào cơ sở vật chất.”

Đặc biệt, đối với các đại học vùng, điều kiện kinh tế của người học còn nhiều hạn chế. Vì vậy, việc tự chủ tài chính nhưng lại tập trung nguồn thu từ người học sẽ gây ra tác dụng ngược.

GS.TS PHẠM HỒNG QUANG, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thái Nguyên: “Ở khu vực miền núi phía Bắc phần lớn các em nghèo, nên lộ trình tăng học phí không thể tăng mạnh được. Dịch vụ cũng không thể thu cao được. Đây là điểm khó đối với đại học vùng. Tuy nhiên chúng tôi có khát vọng mong muốn và đề án chiến lược làm sao có đầu tư riêng cho đại học vùng hơn.”

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến việc tự chủ đại học gặp khó khăn trong quá trình triển khai, trong đó đáng chú ý, mối quan hệ giữa hội đồng trường chưa rõ ràng với các thiết chế khác như ban giám hiệu hay Đảng ủy nhà trường có thể gây ra nguy cơ mất đoàn kết nội bộ.

Ông NGUYỄN ĐẮC VINH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Trong quá trình triển khai thực hiện tự chủ đại học, trước mắt, cần lưu ý phân biệt, làm rõ hơn mối quan hệ giữa các thiết chế trong nhà trường; có sự phân công, phối hợp, phân vai thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trong công tác quản trị, quản lý và điều hành hoạt động nhà trường một cách hợp lý hơn.”

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, cần làm rõ khó khăn, vướng mắc khiến cho nhiều trường chưa kiểm định chất lượng, chưa thể thực hiện tự chủ một cách quyết liệt.

Phó Thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM: “Tại sao còn một số trường chưa kiểm định được? Vì các trường không muốn kiểm định hay hệ thống kiểm định của Bộ và các nơi định hướng chưa đủ? Luật đã quy định về kiểm định thì phải làm. Tại sao một số trường chưa thành lập Hội đồng trường theo quy định của Luật? Các trường quản trị hàng đầu mà lại chưa kiểm định nói thẳng ra thì là vi phạm pháp luật. Thế chúng ta chỉ khen nhau thôi chứ vi phạm thì dám nói à?”

Đổi mới, đặc biệt là đổi mới giáo dục là chặng đường chông gai và cần nhiều nỗ lực. Thông qua hội nghị lần này, những khó khăn được nêu ra không phải để quay ngược xu hướng, mà để cùng tìm những giải pháp vượt qua thách thức, đưa giáo dục đại học Việt Nam ngày càng phát triển hơn.
 

Phan Hằng