Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội: Chỉ nới thời hạn giảm thuế giá trị gia tăng 2% khi đủ dữ liệu

Chiều 5/6, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội họp thảo luận phương án giải trình, tiếp thu và dự thảo nội dung đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 5 về việc thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết 43.

Cân nhắc về đề xuất kéo dài thời hạn và mở rộng đối tượng được giảm thuế, đa số các ý kiến của Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng Chính phủ cần bổ sung các dữ liệu thì mới đủ cơ sở để ra quyết định. 

Nhiều ý kiến nhận định báo cáo của Chính phủ mới đánh giá tác động của việc giảm thuế giá trị gia tăng đã thực hiện trong năm 2022. Về năm 2023, Chính phủ mới chỉ có ước tính con số giảm thu ngân sách khoảng 24 nghìn tỷ đồng, chứ chưa đánh giá toàn diện về khả năng kích cầu tiêu dùng trở lại nền kinh tế.

Cũng băn khoăn về thời gian giảm thuế 6 tháng cuối năm nay chưa đủ để đạt mục tiêu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng chỉ có thể quyết định gia hạn hay không khi Chính phủ có đánh giá cụ thể về phương án bù đắp các khoản giảm thu và tác động cụ thể đến doanh nghiệp.

Giải trình về mức giảm, thời gian và đối tượng áp dụng giảm thuế GTGT, đại diện Bộ Tài chính cho biết hiện Chính phủ đang triển khai đồng thời nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nên không dễ đánh giá tác động của từng giải pháp riêng lẻ.

Theo báo cáo, việc giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43 năm ngoái đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân khoảng 44,5 nghìn tỷ đồng trong 11 tháng. Tuy nhiên, tổng số thuế Giá trị gia tăng nội địa không những không giảm, mà lại tăng 10% so với cùng kỳ. Đồng thời, giảm thuế đã gián tiếp kích cầu nội địa khiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

 

Văn Thắng