Ukraine muốn sở hữu tiêm kích F-16

Sau khi Đức, Mỹ và một số nước đồng ý viện trợ xe tăng hạng nặng, giới chức Ukraine đã tiếp tục kêu gọi phương Tây chuyển giao tiêm kích thế hệ 4, đặc biệt là dòng máy bay F-16 của Mỹ. Kiev nhận định loại khí tài này sẽ mang lại lợi thế vô cùng lớn trên chiến trường.

UKRAINE MUỐN SỞ HỮU TIÊM KÍCH F-16

Chỉ vài giờ sau khi nhiều nước phương Tây thông báo sẽ chuyển các xe tăng chủ lực cho Ukraine đối phó Nga, giới chức Kiev đã kêu gọi phương Tây chuyển giao tiêm kích, trong đó có máy bay chiến đấu F-16. Phía Ukraine nhận định F-16 là lựa chọn tốt để thay thế phi đội tiêm kích từ thời Liên Xô mà nước này đang sở hữu, giúp Kiev giành được lợi thế vô cùng lớn trên chiến trường. Tiêm kích đa năng F-16 do General Dynamics phát triển từ những năm 1970, được Mỹ và nhiều đồng minh ở châu Âu sử dụng với số lượng lớn.

Thời gian qua, Mỹ và các nước châu Âu liên tục phá rào khi cung cấp nhiều vũ khí hạng nặng cho Ukraine, tuy nhiên vẫn chưa chuyển máy bay chiến đấu do lo ngại về nguy cơ leo thang chiến sự.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius ngày 27/1 đã bác bỏ khả năng nước này chuyển tiêm kích cho Ukraine do đây là vũ khí phức tạp hơn xe tăng chủ lực, cũng như có tầm hoạt động và hỏa lực hoàn toàn khác nhau.

Trong khi đó, F-16 là máy bay của Mỹ nên tất cả sẽ phụ thuộc vào sự đồng ý của chính phủ Mỹ. Các quan chức Nhà Trắng cũng cho biết sẽ thảo luận về vấn đề này một cách cẩn trọng với Kiev và các đồng minh.

Theo các chuyên gia, phương Tây sẽ cần nhiều thời gian để cân nhắc trước khi đáp ứng yêu cầu chuyển máy bay chiến đấu cho Ukraine.

Theo giới quan sát, ngay cả khi các quốc gia phương Tây chấp thuận cung cấp F-16 cho Ukraine, thì các nước này cũng cần phải vượt qua những rào cản hậu cần quan trọng để đưa máy bay đi vào hoạt động. Trước tiên, sẽ cần có thời gian để các phi công Ukraine thành thạo cách điều khiển F-16. Quá trình huấn luyện có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, tùy vào kinh nghiệm của phi công. Sau đó, Ukraine cần xác định cách thức và địa điểm để vận hành tiêm kích. Điểm nghẽn lớn nhất có lẽ là chế độ bảo dưỡng phức tạp dành cho F-16, do chúng được thiết kế và chế tạo khác với máy bay MIG-29 và Sukhoi-27 mà các kỹ thuật viên Ukraine đã quen vận hành và bảo dưỡng.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam