Ứng dụng công nghệ thông tin cải cách hành chính trong ngành bảo hiểm

Nhằm mang lại sự thuận lợi, hài lòng cho các cá nhân, tổ chức đến giao dịch, những năm qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính), trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động nghiệp vụ.

Trước đây để mua thẻ Bảo hiểm y tế tự nguyện chị Nguyễn Thị Thu Thủy, trú tại thành phố Buôn Ma Thuột phải trực tiếp đến cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện các thủ tục kê khai thông tin trên giấy tờ. Tuy nhiên giờ đây chỉ bằng vài thao tác đơn giản trên ứng dụng của điện thoại thông minh chị Thủy đã có thể dễ dàng gia hạn thẻ Bảo hiểm y tế hoặc đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện mà không cần tốn quá nhiều thời gian.

Để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, tổ chức doanh nghiệp trong thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đến nay bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk đã cắt giảm từ 114 thủ tục hành chính xuống còn 25 thủ tục, đưa 9 thủ tục hành chính thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đã tác động tích cực đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu của Bảo hiểm xã hội tỉnh; đặc biệt trong công tác phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng quỹ, phòng chống trục lợi quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp.

Theo Kế hoạch của BHXHVN mục tiêu đến năm 2025: 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết được tiếp nhận, giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính, trừ trường hợp TTHC yêu cầu phải kiểm tra thực địa, đánh giá, kiểm tra, thẩm định tại cơ sở; 100% hồ sơ, giấy tờ kết quả giải quyết TTHC được số hóa và kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC; Giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp xuống còn tối đa 15 phút/01 lượt giao dịch vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu đề ra, BHXH Việt Nam xác định rõ trách nhiệm, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (BHXH tỉnh) và việc phối hợp giữa các đơn vị nhằm đảm bảo chất lượng và tiến độ thực hiện nhiệm vụ Đề án, tập trung vào các nội dung công việc gồm: Xây dựng Kế hoạch và các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC của ngành BHXH Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025; Tổ chức việc tiếp nhận, giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ngành, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật, nhiệm vụ của Đề án và quy định của BHXH Việt Nam; Thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của ngành BHXH qua Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ đơn giản hóa TTHC và giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, trên môi trường điện tử và dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; Thực hiện việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu của các phần mềm ứng dụng của Hệ thống thông tin giải quyết TTHC ngành BHXH với Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Gắn kết việc số hoá hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính với quá trình tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa tạo cơ sở hình thành dữ liệu sống, sạch, đủ và chính xác. Các đơn vị: Vụ Tài chính - Kế toán, Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ, Ban thực hiện chính sách BHXH, Ban thực hiện chính sách BHYT thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả của quy định TTHC theo Kế hoạch kiểm soát TTHC định kỳ hằng năm để đề xuất phương án đơn giản hóa TTHC thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao. Tập trung theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ,giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC.

Mời quý vị và các bạn đón xem chương trình!

Djuang Niê