• 1509 lượt xem
  • 04:45 08/08/2022
  • Kinh tế

USD đắt đỏ, doanh nghiệp xuất khẩu vẫn khó vì giá đầu vào tăng

Ngày 07/08 kết thúc tuần giao dịch, giá USD trên thị trường quốc tế mặc dù đã hạ nhiệt, nhưng vẫn ở quanh mức cao nhất lịch sử. Nhiều đồng tiền khác giảm sâu, tỷ giá biến động. Còn trong nước, giá bán USD tại nhiều ngân hàng vượt mốc 23.500 đồng/USD. Mọi chính sách điều hành tỷ giá sẽ dồn lên Ngân hàng Nhà nước. Vậy giải pháp nào để ổn định trước những biến động của tỷ giá?

Những tưởng đồng USD tăng giá có thể giúp thế mạnh của Việt Nam, là xuất khẩu được hưởng lợi. Song tìm hiểu tại nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tại Tây Nam Bộ thì được biết, hiện toàn bộ cước vận tải quốc tế đều tính bằng USD. Chuyên xuất khẩu thuỷ sản sang các thị trường Mỹ, Châu Âu...doanh nghiệp nhẩm tính, giá USD cứ đắt thêm 2%, thì doanh nghiệp cũng sẽ phải trả chi phí tăng lên đúng 2%, bất kể giá cước container là bao nhiêu.

Ông TRẦN VĂN ĐỨC, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Dừa Bến Tre (BEINCO): "Trước kia một container đi Mỹ phải trả 3.000 (USD). Giờ có lúc lên 12 nghìn thậm chí 18 nghìn. Rất khó khăn".

Ông VÕ THÀNH HIỆP, Tổng Giám đốc Công ty Thủy Sản Hưng Trường Phát: “Một container hàng 40 feet mất khoảng 200 triệu, phải tích cực đàm phán với khách hàng để tính tiến độ cho khớp, giảm vấn đề hàng bị chậm, hoãn”.

Còn tại doanh nghiệp này, những chiếc lọ thuỷ tinh hàng tháng được nhập khẩu từ nước ngoài, các hợp đồng nhập khẩu đều thanh toán bằng USD. Mỗi lần doanh nghiệp sẽ nhập khoảng 100 nghìn chiếc. Nếu như đầu năm, với 1 lô hàng nhập khẩu lọ thuỷ tinh, doanh nghiệp sẽ phải trả khoảng 670 – 700 triệu đồng. Thì hiện nay, số tiền phải trả cho cùng lô hàng đó lên tới hơn 800 triệu đồng. 

Bà NGUYỄN THỊ HỒNG, Giám đốc Công ty cổ phần dược thảo Thiên Phúc: "Từ lúc giá USD tăng, lọ thuỷ tinh nhập từ Hàn Quốc, Trung Quốc hầu như đều tăng giá. GIá USD tăng có lúc nhập khẩu phải trả tăng thêm 10% hoặc 20%".

Đồng USD đắt đỏ, đây là kết quả sau 4 lần Cục dự trữ liên bang Mỹ FED tăng lãi suất, khiến nhiều đồng tiền khác giảm sâu tới 20%. Tuy nhiên, VND có mức mất giá chỉ khoảng 2% so với USD được cho là khá thấp so với mức giảm của các đồng tiền khác. Điều này có được là do một phần không nhỏ từ cách điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.  

Ông PHẠM XUÂN HÒE, Nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước: “Đồng Việt Nam mất giá trên dưới 2%, có lẽ là thấp nhất so với các đồng tiền khác trong khu vực. Cũng là sự thành công trong điều hành, kiểm soát tỷ giá của Việt Nam. Tuy nhiên, được cái này sẽ bất lợi về cái khác. Đó là các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu cũng sẽ không được hưởng lợi về cạnh tranh giá cả hàng hoá".

Ông CẤN VĂN LỰC, Chuyên gia Tài chính Ngân hàng: “Cung cầu ngoại tệ tương đối ổn nên Việt Nam đồng chỉ mất giá so với USD khoảng 2%. Trong khi đó các nước có thể mất giá từ 13-15%”.

Mặc dù áp lực tỷ giá đã hạ nhiệt, song từ nay đến cuối năm, việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN vẫn còn khá nhiều thách thức. Thủ tướng Chính Phủ cũng yêu cầu, NHNN cần tiếp tục điều hành tỷ giá, lãi suất ổn định, nhất là sau khi Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) tiếp tục nâng mạnh lãi suất.

Văn Thắng