Ưu tiên nguồn lực cảnh báo và dự báo thiên tai

Chiều 20/4, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự và chỉ đạo hội nghị.

Năm 2022 thiên tai diễn ra bất thường, cực đoan, trái quy luật với gần 1.100 đợt, trận thiên tai ở cả 21/22 loại hình, làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm trước). Từ đầu năm đến nay cũng xảy ra nhiều trận mưa lớn, dông lốc, động đất và sạt lở bờ sông… làm 7 người mất tích, thiệt hại gần 25 tỷ đồng.

Trong bối cảnh đó, công tác hỗ trợ người dân ổn định đời sống, sản xuất, khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu được các Bộ ngành, địa phương triển khai kịp thời; hỗ trợ 1.800 tỷ đồng cho 28 tỉnh, thành phố khắc phục hậu quả, xuất cấp hàng nghìn tấn hạt giống, lương thực…

Đánh giá cao công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, với thiên tai, công tác phòng phải đi trước một bước. Công tác cảnh báo, dự báo cần đầu tư kịp thời và chính xác hơn.

Năm 2023, dự báo thiên tai vẫn sẽ diễn biến với nhiều hình thái và phức tạp; số lượng bão, áp thấp nhiệt đới vẫn sẽ ở mức trung bình nhiều năm, tập trung từ tháng 8 đến tháng 10. Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành, địa phương cần chủ động dự báo và chuẩn bị các biện pháp ứng phó. Tiếp tục triển khai Luật Sửa đổi bổ sung Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, thúc đẩy công tác phòng, chống thiên tai ở cả 3 giai đoạn. Nâng cao năng lực cứu hộ cứu nạn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Hà Lan - Hoàng Minh