Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4, sáng 14/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Theo Tờ trình của Chính phủ, Luật Căn cước công dân năm 2014 qua hơn 7 năm triển khai thi hành đã bộc lộ 1 số khó khăn, vướng mắc cần giải quyết, nhất và việc sửa đổi, bổ sung quy định để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số theo Đề án 06 về Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí về sự cần thiết xây dựng Luật với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; đơn giản hóa thủ tục hành chính và giấy tờ công dân; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, qua đó tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, dự thảo Luật đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5.

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật; đồng thời cho ý kiến về tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật. Bên cạnh đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số nội dung cụ thể của dự thảo luật như: Giấy chứng nhận căn cước; Nội dung thể hiện trên thẻ căn cước; Thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.

Dương Dung