Vì sao các dự án EPC hay bị đội vốn và chậm tiến độ?

Đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng EPC đem lại nhiều lợi ích cho xã hội, cho nhà thầu và chủ đầu tư nhưng việc quản lý dự án theo hình thức này đang gặp nhiều vướng mắc khiến dự án bị đội vốn, chậm tiến độ.

Nguyên nhân do số lượng tổng thầu EPC có năng lực, uy tín và kinh nghiệm chưa nhiều, việc lựa chọn nhà thầu còn rất hạn chế, hiện hầu hết là chỉ định thầu, nhưng lại thiếu quy định pháp lý để xử lý những vấn đề phát sinh. 

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, được phê duyệt năm 2008 và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng tháng 11/2013, tuy nhiên Thủ tướng Chính phủ đã phải chấp thuận gia hạn thời gian thực hiện dự án đến tháng 3/2021, đồng thời tăng tổng mức đầu tư từ 8.770 tỷ đồng lên 18.000 tỷ đồng. Dù đã đi vào vận hành thương mại, nhưng đến nay nhà thầu vẫn không thực hiện kết luận của Kiểm toán nhà nước khi phải giảm trừ số tiền thực hiện dự án khoảng 38 triệu đô do tính toán sai khối lượng. Hiện nhiều dự án EPC cũng đang vướng mắc pháp lý, tranh chấp hợp đồng, quyết toán và thanh lý hợp đồng. Nguyên nhân do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện.

Thực tế đang đặt ra là với dự án EPC hiện nay, số lượng tổng thầu EPC có năng lực, uy tín và kinh nghiệm chưa nhiều, việc lựa chọn nhà thầu hiện còn rất hạn chế, hiện hầu hết là chỉ định thầu.

Việc sử dụng tổng thầu EPC nước ngoài đang khiến một phần nguồn lực ngân sách nhà nước “chảy ra” nước ngoài; chưa kể sự phức tạp về pháp lý, thậm chí ngoại giao khi xảy ra tranh chấp hợp đồng EPC. Vì vậy, cần đồng bộ các quy định của pháp luật, nhất là giữa Luật xây dựng và Luật đấu thấu để lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực. Đây là vấn đề cần được lưu tâm trong sửa đổi Luật đấu thầu lần này.

Công Kiên