Việt Nam hành động mạnh mẽ để hiện thực hóa các cam kết tại COP26

Trước đó, tại Hội nghị COP 26 tại Glasgow, Vương quốc Anh, năm 2021, Việt Nam trở thành điểm sáng với tuyên bố mục tiêu đưa phát thải ròng về "0” vào năm 2050. Cam kết này đã góp phần định hình các chiến lược bảo vệ khí hậu của Việt Nam ngay sau COP26, với việc ban hành những chính sách, hành động để tạo cơ sở cụ thể hóa các cam kết.

Ngay sau khi hội nghị COP26 kết thúc, một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã được Chính phủ Việt Nam đề ra. Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo và thành lập ngay Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26. Tiếp đó, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26; ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Đồng thời, một lộ trình tổng thể đã được đưa ra nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết bằng việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ các ngành, các lĩnh vực, các địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải…Có thể thấy, Việt Nam là một trong số những quốc gia đã có hành động ngay lập tức.

Ngay sau cam kết tại COP26 về việc không phát triển thêm các nhà máy nhiệt điện mới và từng bước loại bỏ các nhà máy đã vận hành nhiều năm, công nghệ lạc hậu…Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã nhiều lần được điều chỉnh và rà soát theo hướng tỷ trọng điện than đã được cắt giảm tối đa. Thay với đó, thực hiện chuyển dịch năng lượng sang điện khí và năng lượng tái tạo.

Đặc biệt, Việt Nam đang là quốc gia tiên phong trong chuyển dịch năng lượng từ năng lượng hoá thạch sang các nguồn năng lượng sạch hơn nhằm xây dựng một nền kinh tế carbon thấp. Là một trong những quốc gia đi đầu về phát triển năng lượng tái tạo với hơn 20 GW năng lượng tái tạo và huy động 17 tỷ USD đầu tư tư nhân trong vòng 2 năm qua. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận và là bước đi nghiêm túc hướng tới đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng sạch.

Nhìn vào tiềm năng của năng lượng tái tạo và sự phát triển trong thời gian vừa rồi không thể phủ nhận được vai trò của các chính sách của Chính phủ. Hiện nay Việt Nam đã đứng thứ 5 trên bản đồ thế giới về công suất lắp đặt với điện mặt trời mái nhà, khẳng định rằng chính sách của Việt Nam đối với việc phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà là rất tốt, đồng thời luôn quan sát các chính sách phát triển các loại điện năng lượng tái tạo khác…

Đồng hành cùng Chính phủ trong việc hiện thực hoá các cam kết, Quốc hội cũng đã và đang tiếp tục nội luật hóa các cam kết quốc tế của Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Quốc hội đã quyết định  đưa năng lượng vào chương trình giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023, điều này thể hiện những quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam, trong hiện thực hoá các cam kết tại COP26.

Mời quý vị theo dõi thông tin chi tiết!