Mất cân bằng giới tính: Năm 2034 sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15 - 49

Sáng 27/06 tại Đà Nẵng, Uỷ ban Xã hội của Quốc hội đã khai mạc hội thảo “Đại biểu dân cử với việc thực hiện chính sách, pháp luật về dân số - phát triển”. Ông Nguyễn Hoàng Mai - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội chủ trì hội thảo.

Các đại biểu đã chỉ ra vấn đề nghiêm trọng trong nhiều năm, đó là tình trạng lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Năm 2019, ước tính có khoảng 45.900 trẻ em gái bị thiếu hụt do việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và lựa chọn giới tính trước sinh. 

Ông NGUYỄN HOÀNG MAI, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội: "Về mặt luật pháp thì nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh. Tuy nhiên, trong thực tiễn tổ chức thực hiện về bảo đảm quy định này thì hiệu quả chưa cao. Biện pháp tốt nhất khắc phục tình trạng này là tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giới, xoá bỏ định kiến giới.”

Nếu tỷ số giới tính khi sinh hiện tại không thay đổi thì đến năm 2034 sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15 - 49 và con số này vào năm 2059 sẽ tăng lên thành 2,5 triệu. Dư thừa nam giới tức là sẽ ngày càng có nhiều nam giới khó kiếm được vợ, từ đó làm gia tăng nạn buôn người và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Bà NAOMI KITAHARA, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam: “Về cách thức sử dụng công nghệ, điều quan trọng là phải giáo dục người dân về bình đẳng giới để các cặp vợ chồng có tâm lý coi trọng con trai và gái như nhau. Từ đó mới sử dụng công nghệ 1 cách phù hợp. Về tỷ lệ sinh, chúng tôi khuyến nghị Việt Nam nên tuân thủ các nguyên tắc của các hội nghị quốc tế về dân số và phát triển. Trong đó, nguyên tắc chính là mỗi cặp vợ chồng cần được có quyền quyết định một cách có trách nhiệm về số con, thời điểm sinh con và khoảng cách giữa các lần sinh.”

Năm 2020, dân số Việt Nam đạt 97,2 triệu người, thứ 3 khu vực Đông Nam Á và thứ 15 thế giới. Các chuyên gia cũng cảnh bảo, Việt Nam đang đi qua gần nửa thời kỳ dân số vàng và đã bắt đầu bước vào giai đoạn già hoá dân số từ năm 2011, sớm hơn dự báo 6 năm. Già hoá dân số là biểu hiện của thành tựu phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, đối với đất nước đang phát triển, thế hệ người cao tuổi trải qua nhiều năm chiến tranh như Việt Nam, già hoá dân số cũng đặt ra những thách thức lớn về an sinh xã hội, thu nhập, chăm sóc sức khoẻ người già.

Mỹ Phượng - Lê Quang