Vụ rò rỉ đường ống Dòng chảy phương Bắc phơi bày điểm yếu của châu Âu

Theo đánh giá của Lầu Năm Góc, trong khi quá trình điều tra vẫn đang được tiến hành, thì vẫn còn quá sớm để kết luận ai đừng đằng sau sự cố rò rỉ đường ống Dòng chảy phương Bắc. Tuy nhiên, sự cố này đã làm dấy lên lo ngại tất cả các cơ sở hạ tầng trọng yếu ở châu Âu, từ đường dầu khí Biển Bắc, đường cáp điện kết nối lục địa châu Âu với Anh cho tới các đường cáp internet có thể gặp nguy hiểm.

Theo các chuyên gia, sự cố rò rỉ hai đường ống dẫn khí giữa Nga và châu Âu giống như một lời cảnh tỉnh đến lục địa già về việc bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng.

Ông THIERRY BROS, Chuyên gia về khí đốt tại châu Âu: “Chúng ta cần xem xét lại cách chúng ta đang bảo trì, cách chúng ta làm cho cơ sở hạ tầng quan trọng của mình trở nên linh hoạt hơn và nó sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng trong mùa đông này”

Các chuyên gia cho rằng, cáp điện, các đường ống dẫn dầu mỏ và khí đốt, cáp quang viễn thông dưới đáy biển… thường được thiết kế để chống chịu các sự cố chứ không phải các cuộc tấn công có chủ đích. Việc tăng cường an ninh cho các cơ sở hạ tầng này sẽ làm gia tăng gánh nặng tài chính và hậu cần cho châu Âu. Trước đó, cảnh sát Na Uy đã tăng cường an ninh xung quanh các cơ sở dầu mỏ và khí đốt của nước này, một ngày sau khi Đan Mạch thông báo áp dụng các biện pháp tương tự xung quanh các cơ sở hạ tầng năng lượng.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn trong ngày hôm nay (30/9), sau những nghi ngờ về những hành động phá hoại có chủ đích nhằm vào đường ống Dòng chảy phương Bắc. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu đang liên hệ với các quốc gia thành viên và sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ cuộc điều tra nào nhằm thu thập đầy đủ thông tin làm rõ đối tượng đã thực hiện hành vi này, cũng như về các bước đi tiếp theo để tăng cường khả năng phục hồi an ninh năng lượng của khối.

Anh Tuấn