Xã hội hoá y tế đang trong vòng luẩn quẩn

Cho ý kiến về vấn đề xã hội hoá được quy định trong Dự thảo luật, nhiều đại biểu cho rằng những quy định như vậy chưa giải quyết dứt điểm được vấn đề về xã hội hóa, tự chủ bệnh viện đang đặt ra trong thực tế. Cần có quy định về phương thức triển khai xã hội hóa phù hợp với đặc thù của lĩnh vực y tế nhưng không trái với tinh thần của pháp luật về đầu tư công, về quản lý, sử dụng tài sản công.

Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, mục tiêu của xã hội hóa là phát huy được năng lực của cán bộ, nhân viên y tế, tuy nhiên hiện nay, chúng ta đang trong vòng luẩn quẩn và sa đà vào việc làm sao để giá xuống mức thấp nhất để thanh toán bảo hiểm y tế. Khi thanh toán theo bảo hiểm y tế thấp nhất có thể thì khó đảm bảo chất lượng cao.

Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN - Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: “Thực chất chưa có tự chủ, bây giờ vẫn chưa có hoạt động tổng kết chính thức nào về mô hình này. Chúng ta chỉ chạy theo sự cố..hậu quả bệnh viện thiếu thuốc, nhân viên y tế không dám làm. Bệnh viện xin thôi tự chủ cho nên cần đánh giá tổng kết”

Cũng theo một số đại biểu, việc thu hút nguồn vốn từ xã hội hóa trong lĩnh vực y tế rất vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là quy trình, thủ tục triển khai. Vì vậy, rất cần quy định về hình thức thức triển khai xã hội hóa phù hợp với đặc thù của lĩnh vực y tế nhưng không trái với tinh thần của pháp luật về đầu tư công, về quản lý, sử dụng tài sản công.

Bà TRẦN THỊ NHỊ HÀ - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Nếu chỉ quy định về hình thức mà không có cơ chế để thực hiện thì xã hội hóa y tế lại trở thành bài toán không có lời giải. Ví dụ, như hình thức vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, trang thiết bị y tế đã được quy định tại khoản 3 Điều 107 của dự thảo quy định về vay vốn tại các đơn vị y tế đã có từ lâu nhưng thực tế rất khó triển khai do vướng mắc trong vấn đề tài sản thế chấp, vấn đề lãi suất, vấn đề vốn đối ứng. Tôi cho rằng Quốc hội, Chính phủ có thể xem xét quy định cho phép các cơ sở y tế được sử dụng một phần tài sản công để thế chấp vay vốn tại các tổ chức tín dụng hoặc vay bằng hình thức tín chấp."

Ông TRỊNH XUÂN AN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: “Trong khoản 3 có một nội dung tôi không đồng tình, đó là quy định về vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng thiết bị y tế. Việc vay vốn là câu chuyện của tín dụng, liên quan đến vay vốn, liên quan đến ngân hàng, tôi nghĩ rằng đây không phải là nội dung về xã hội hóa, nên đề nghị cân nhắc nội dung này có nên xã hội hóa không?”

Đối với quy định "Thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, cận lâm sàng, dịch vụ phi y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý, vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh". Đại biểu Nguyễn Tri Thức đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị bổ sung thêm hình thức là "mượn tài sản" bởi theo đại biểu thực tế rất nhiều bệnh viện công không đủ năng lực để trang bị các hệ thống xét nghiệm chất lượng cao, hiện đại và rất là tốn kém.

Ông NGUYỄN TRÍ THỨC - Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: “Vì một hệ thống máy mà hiện đại là rất tốn kém, chúng ta không đủ tiền để trang bị và nếu trang bị xong, năm nay chúng ta trúng thầu mà sang năm không trúng thầu thì không biết sử dụng như thế nào. Nếu chúng ta mua về mà để đó, nếu như máy hư, đó là tài sản bệnh viện thì công ty cũng không sửa và đa số những hệ thống hiện đại đó thì kỹ sư của bệnh viện gần như không người nào biết sửa, máy móc tiếp tục là trùm mền. Do đó, rất tha thiết kính mong Quốc hội cho phép bổ sung hình thức muợn này sẽ giúp ích cho ngành y tế rất nhiều và giúp ích cho bệnh nhân rất nhiều."