Xác định phương thức định giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện

Việc cấp phép thông qua đấu giá là cách thức phân bổ tài nguyên minh bạch, rõ ràng, hạn chế được những doanh nghiệp không đủ năng lực. Tuy nhiên, các quy định trong dự thảo luật cần đảm bảo tính khả thi cho các doanh nghiệp nhà nước, nhất là xác định giá và quyết định giá.

Đây là các vấn đề được quan tâm trong hội thảo chuyên đề về phương thức cấp phép thông qua đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và và Môi trường tổ chức sáng 8/8.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc định giá đang gặp nhiều vướng mắc, bởi sẽ định giá theo thị trường hay theo công thức và có thống nhất với thẩm định giá của Bộ Tài chính hay không?

Ông ĐOÀN QUANG HOAN, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vô tuyến Điện tử: "Đẩy giá lên cao thì không khả thi mà để giá xuống thấp thì sợ trách nhiệm. Hai chỗ này rất chủ quan. Vậy thì trong luật này có điều gì sửa đổi bổ sung để loại bỏ sự chủ quan đấy hoặc để cho người quyết định yên tâm khi thực tế định giá theo công thức của mình từ khâu lựa chọn mẫu, tính toán hệ số..."

Đại diện Bộ tài Chính cho rằng, mức giá đưa ra đấu sẽ góp phần quan trọng trong việc giải bài toán chi phí, giá thành, sau này có thể đấu giá các băng tần đặc biệt hơn. Chưa áp dụng đấu giá và thực thi giá nên chưa thể biết thị trường và doanh nghiệp chấp nhận hay không, cần đánh giá kỹ và thực chất hơn.

Bà NGUYỄN THỊ THOA, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính: "Chúng ta nói cao hay thấp hay khả năng như thế nào thì chúng ta cũng chưa đưa ra đấu, chúng ta chưa làm thực sự nên chúng ta cũng chưa rõ được cao ở đây là cao như thế nào? Và cần thì chúng ta có cơ quan thuế. Lâu nay, chúng ta cứ đưa cho họ sử dụng cái đó, một số trường hợp cấp thu phí và cấp quyền khai thác đó chúng ta thu một mức gọi là và chưa tính được nó đã sát hay chưa? Qua một thời gian, nó biến động giá đã có tăng bất ngờ hay không? Cái thu được của các nhà mạng như thế nào?"

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, vấn đề giá khởi điểm hay thẩm định nên để chính phủ quy định cụ thể, tạo điểm tỳ pháp lý cho xây dựng nghị định sau này.

Ông LÊ QUANG HUY, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: "Chính phủ cần quy định những chi tiết gì ở trong này để đảm bảo thuận lợi trong quá trình đấu giá thực thi, chứ không phải chơi vơi như Luật 42 năm 2009. Khía cạnh thứ hai đó là cũng phải tính đến việc khả thi kể cả về phía doanh nghiệp cũng phải đảm bảo để đấu giá được và có doanh nghiệp tham gia. Chứ giờ một người trả giá, một người đấu giá thôi thì thất bại sẽ ứng xử thế nào?"

Thực tế cho thấy, phương thức đấu giá được coi là minh bạch, hiệu quả, tài nguyên hữu hạn phải được trao  vào tay chủ thể sử dụng, khai thác hiệu quả nhất nhưng ở góc độ tài chính cũng cần được thu được nguồn lực tốt nhất. Hiện có 3 doanh nghiệp nhà nước là Vinaphone, Mobifone và Viettel được coi là có tiềm lực để được cấp phép tần số vô tuyến điện.

Bích Hạnh