• 2291 lượt xem
  • 06:09 20/06/2022
  • Kinh tế

Xăng tăng giá, doanh nghiệp "cắn răng" giữ giá, lượng người mua vẫn sụt giảm

Chỉ từ ngày 21/4 tới nay, giá xăng tăng tới 6 lần, tương ứng mức tăng 18%, và gần 60% tính từ đầu năm, tạo áp lực rất lớn cho sản xuất. Từ thực tế này, nhiều chuyên gia lo ngại, nếu không có giải pháp hạ nhiệt giá xăng dầu thì nền kinh tế có thể rơi vào trạng thái đình đốn sản xuất kèm theo lạm phát cao.

Nếu như trước kia, cước vận chuyển một thùng sơn như thế này đi các tỉnh có giá 20-25 ngàn đồng thì nay đã là 35-40 ngàn đồng, gần như gấp đôi. Cắn răng chịu cảnh không tăng giá, thế nhưng tình hình tiêu thụ của DN vẫn không mấy khả quan.

Ông HOÀNG THẾ HÙNG, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Zuji Việt Nam: “Chỉ số tiêu dùng của người mua giảm. Nguyên vật liệu tăng. Trong khi nhà máy không tăng giá được. Hệ thống phân phối thu hẹp quy mô lại, doanh nghiệp rất trăn trở.”

Để duy trì sức mua, giữ giá là điều mà ngành sản xuất đang tiến hành. Một số trường hợp, để duy trì giá bán trong bối cảnh sức mua còn yếu, việc cắt giảm lợi nhuận sản xuất – lợi nhuận cho nhà phân phối đã được thực hiện.

Các chuyên gia cho rằng, xăng dầu cùng nhiều nguyên vật liệu tăng giá khi sức mua còn yếu, thì trợ giá là điều Nhà nước cần tính đến nếu nguồn cung ứng xăng dầu hoặc nguồn lực ngân sách lớn. Với Việt Nam, thuế phí đang chiếm 42-43% giá xăng thì giải pháp bình ổn giá xăng dầu chính là hướng tới công cụ này nếu muốn tránh tình trạng đình lạm (hay còn gọi đình đốn sản xuất kèm lạm phát).

Ông VÕ TRÍ THÀNH, Chuyên gia kinh tế: “Một là tính toán tiếp giá thuế môi trường để giảm tiếp. Thứ hai, trong chừng mực có thể, mặc dù tỉ trọng thuế trong giá xăng dầu của nước ta không phải là cao so với thế giới nhưng do nguồn thu so với dự toán giá xăng khi tính toán, chúng ta có thể dùng một phần ấy để hỗ trợ giá xăng ở một mức nào đó”

Do đó, theo một số chuyên gia, ngoài giải pháp bình ổn thị trường chung, có thể tính toán đến giải pháp hỗ trợ xã hội như trợ cấp nhằm giúp các đối tượng khó khăn, dễ bị tổn thương như ngư dân, tài xế đang chịu áp lực lớn từ cơn bão giá. 

Bà NGUYỄN THỊ SỬU, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế: "Cần có chính sách hỗ trợ giá cho các đối tượng nghèo, cận nghèo cho những người thuần tuý sử dụng nguồn nguyên liệu này để mưu sinh như ngư dân ven biển, những vùng khó khăn và cũng tính tiếp các chính sách khác hỗ trợ vào để bù trừ tăng mức chi cho dịch vụ cơ bản này nhưng giảm ở dịch vụ khác”.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc trợ cấp là cần, tuy nhiên về mặt kỹ thuật cần tính toán sao cho đúng đối tượng, khả thi.

Diệu Huyền