Xây dựng và lan tỏa hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ mới

Hệ giá trị quốc gia về văn hóa, gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam là một trong những nội dung trọng tâm, cốt lõi và cũng là khâu đột phá, có giá trị động lực thúc đẩy phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Đây là nội dung được đưa ra tại Hội thảo quốc gia Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức.

Theo một số chuyên gia, hệ giá trị con người gồm nhiều giá trị cấu thành khác nhau. Ở mỗi giai đoạn phát triển của con người và xã hội thì hệ giá trị con người có những thay đổi nhất định. Do vậy, việc xây dựng hệ giá trị con người trong thời kỳ mới hiện nay phải cụ thể hóa thành các tiêu chí, chuẩn mực, cho các từng lớp người, các lĩnh vực xã hội, các lứa tuổi khác nhau.

PGS.TSKH LƯƠNG ĐÌNH HẢI, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam: "Hệ giá trị Việt Nam gồm các hệ giá trị khác nhau, liên tục thay đổi theo bối cảnh và điều kiện. Điều đó không có nghĩa chúng ta nghiên cứu một lần, đưa ra bảng hệ giá trị này tròn trĩnh hoặc hoàn chỉnh để sau đấy có thế áp dụng mãi mãi, mà nó liên tục thay đổi. Chúng ta phải tiếp tục bồi đắp, nghiên cứu, điều chỉnh và bổ sung để hệ giá trị ngày càng có sức mạnh lớn hơn."

Ông BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: "Chúng ta có mục đích rất quan trọng là hình thành lên các hệ giá trị, hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam, để từ đó chúng ta định hướng các hành động của mình, định hướng các quan điểm của mình để chúng ta xây dựng một xã hội văn minh, hạnh phúc đạt những thành tựu Đại hội 13 đặt ra. Điều này cũng vô cùng quan trọng khi trong bối cảnh xã hội bây giờ khá phức tạp, có những điều lãng tâm, khiến cho việc xây dựng các hệ giá trị tạo ra sức đoàn kết, vượt qua khó khăn."

Trong gần 4 thập niên qua, phát triển toàn diện con người Việt Nam đã trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chất lượng của việc xây dựng và phát triển con người Việt Nam cũng đang có vấn đề nên chưa đáp ứng được yêu cầu, gây nhiều hệ lụy, nhiều biểu hiện phản giá trị, phi văn hóa, thiếu nhân văn, vẫn tồn tại làm giảm sút niềm tin và suy giảm khát vọng, động lực phát triển đất nước và con người.

GS.TS HỒ SỸ QUÝ, Nguyên Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội: "Kinh tế phát triển, đất nước phát triển nhưng con người và văn hóa cũng vấp phải những khuyết tật đáng kể. Đấy chính là lý do chúng ta kỳ vọng rằng nếu việc giải quyết các vấn đề về văn hóa, con người giải quyết tốt, hiệu quả, thực tế thì chúng ta sẽ khắc phục được những khiếm khuyết trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời gian qua."

TS NGUYỄN THẾ KỶ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trung ương: "Thời kỳ mới này phải sáng tạo có giá trị mới, việc vận dụng linh hoạt, nó không phải 5- 7 điều mà theo điều kiện của từng ngành, từng người. 4 hệ giá trị chúng ta cũng phải nhìn nhận thói hư tật xấu loại trừ tiêu cực"

Mỗi cộng đồng tộc người hay một dân tộc, quốc gia trong quá trình hình thành và phát triển nhất thiết phải tạo dựng cho mình những giá trị riêng. Những giá trị này được bồi đắp, kết tinh thành hệ thống tinh hoa văn hóa, từ đó tạo nên bản sắc tộc người, bản sắc dân tộc và quốc gia. Bản sắc này là nền tảng, điểm tựa cho phát triển ở mọi thời đại, tạo ra sự ổn định lâu dài cho quốc gia, dân tộc.

Đào Nghĩa