Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát có giúp Thủ đô bứt phá?

Ngày 27/3, Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 đã bế mạc sau 2 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương. Với nhiều đổi mới trong khâu tổ chức, hội nghị đã dành tối đa thời gian để nghe đại biểu phát biểu góp ý về 8 dự án luật quan trọng. Cùng điểm lại những ý kiến đáng chú ý của đại biểu được dư luận quan tâm.

Thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), một nội dung mới được đặc biệt chú ý là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Đây là khung pháp lý được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho Thủ đô thu hút các ngành công nghệ mới. Tuy nhiên, thận trọng để kiểm soát được cơ chế thử nghiệm này là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội được cộng đồng khởi nghiệp và giới chuyên gia đồng tình. 

Theo dự thảo luật, UBND TP Hà Nội được cho phép thử nghiệm có kiểm soát dưới hình thức cấp phép có thời hạn đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc cấp phép có thời hạn.

Việc đưa mô hình "thử nghiệm có kiểm soát" vào Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này khiến các doanh nghiệp công nghệ như One Office kỳ vọng sẽ có khuôn khổ pháp lý để họ dám dấn thấn đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ của tương lai.

Ủng hộ trao cơ chế mới này cho Hà Nội, tuy nhiên nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp cận theo hướng thận trọng để bảo đảm kiểm soát tốt.

Các chuyên gia cũng cho rằng để thực sự triển khai được cơ chế thử nghiệm, ngoài việc trao quyền cho Thủ đô thì Thủ đô cũng cần phải nhanh chóng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ để có thể thẩm định cũng như kiểm soát được những mô hình mới, chưa có tiền lệ này. Cùng với đó phải  xây dựng một hướng dẫn chi tiết, cụ thể để tạo khuôn khổ pháp lý rõ ràng, tránh tình trạng cán bộ sợ sai, không dám làm, có luật nhưng không thực thi được.

CẦN TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA DOANH NGHIỆP TRỐN ĐÓNG BHXH 

Cần phải bổ sung quy định “truy cứu trách nhiệm hình sự” đối với doanh nghiệp trốn đóng BHXH của người lao động trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đây là một đề xuất của đại biểu nhận được sự đồng tình của dư luận tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. 

Việc doanh nghiệp trốn đóng hàng nghìn tỷ BHXH ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng chục nghìn người lao động. Tuy nhiên, các chế tài xử lý hiện tại như phạt tiền, ngừng sử dụng hóa đơn, hoãn xuất cảnh... vẫn chưa đảm bảo tính răn đe. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề xuất bổ sung quy định “truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Theo dõi Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách, những người lao động khổ sở nhiều năm khi bị doanh nghiệp nợ BHXH như chị Lê Thị Hiền rất ủng hộ đề xuất của đại biểu.

TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phân tích quy định khởi kiện doanh nghiệp còn gặp khó khăn nên cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự mới đảm bảo tính răn đe.

Theo báo cáo, đến hết tháng 10/2023, tổng số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp lên đến 14.600 tỉ đồng. Trong đó, số tiền chậm đóng tại các đơn vị không có khả năng thu hồi khoảng 4.164 tỉ đồng. 

VẪN NÓNG TRANH LUẬN VỀ QUY ĐỊNH NỒNG ĐỘ CỒN BẰNG “0” 

Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cũng cho ý kiến về 2 dự thảo luật được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ 2008 là Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, các đại biểu đóng góp ý kiến về sự trùng chéo, trùng lắp trong 2 dự thảo luật, thu phí đường cao tốc, đấu giá biển số xe... và vấn đề nóng nhất vẫn là nồng độ cồn.

Tranh luận "nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe" bắt đầu từ kỳ họp Quốc hội cuối năm 2023, khi có đại biểu quốc hội cho rằng cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở là "quá nghiêm khắc và chưa phù hợp”. Đến Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần này, Bộ Công an vẫn bảo lưu quan điểm quy định nồng độ cồn bằng 0. Còn tại phiên thảo luận, các đại biểu tiếp tục chia thành 2 luồng ý kiến: Đồng ý và không đồng ý. 

Sau nhiều phiên tranh luận, đến nay, vấn đề cồn nội sinh vẫn là lý do khiến một số đại biểu còn băn khoăn về quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn. Tuy nhiên, một số người hoạt động trong lĩnh vực này cho rằng cồn nội rất sinh hiếm gặp.

Dù còn nhiều tranh luận trên nghị trường và trong xã hội nhưng không thể phủ nhận là từ khi áp dụng quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn đã hình thành một văn hóa tham gia giao thông an toàn và văn minh.

TRANH LUẬN VỀ ĐỀ XUẤT CẤM GHI ÂM, GHI HÌNH PHIÊN TOÀ XÉT XỬ 

Đề xuất “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình trong quá trình xử tại phiên toà là một nội dung trong dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) đang nhận được nhiều sự quan tâm. Một bên là đảm bảo quyền riêng tư của nhân thân. Một bên là đảm bảo sự minh bạch và giám sát... Vậy nội dung này cần được cân nhắc và quy định như thế nào? Ngay sau ý kiến của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều từ phía người dân và những chuyên gia đang hoạt động trong ngành tư pháp. 

Với rất nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội chuyên trách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan tiếp thu đầy đủ để hoàn chỉnh dự thảo các luật báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội thảo luận, xem xét tại Kỳ họp thứ 7 tới đây. 

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam