Phó Chủ tịch Thường trực QH chủ trì phiên họp giám sát về quản lý thị trường bất động sản, nhà ở xã hội

Chiều 24/4, tại nhà Quốc hội, Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” đã họp phiên thứ 2 dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Đoàn giám sát. Cùng chủ trì có Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. Tại phiên họp này, Đoàn tập trung xem xét, cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp sơ bộ và báo cáo của các đối tượng giám sát, báo cáo của cơ quan có liên quan và những vấn đề cần quan tâm trước khi làm việc với Bộ, ngành, địa phương.

Tại phiên họp, đối với quản lý thị trường bất động sản, các thành viên Đoàn giám sát đã cho ý kiến vào 5 nhóm vấn đề lớn trong đó có nguồn cung, giá giao dịch. Giai đoạn 2015-2023, đối với bất động sản nhà ở, nguồn cung trên thị trường chủ yếu thuộc phân khúc trung, cao với mức giá chưa phù hợp với đa số người dân có nhu cầu nhà ở thực. Các giao dịch chủ yếu mang tính đầu cơ, đầu tư. Giá giao dịch từ quý II năm 2022 đến nay, ở hầu hết các phân khúc đều chững, riêng giá căn hộ chung cư tiếp tục tăng. Tính đến cuối năm 2023 thị trường gần như không có dự án chung cư thuộc phân khúc bình dân, giá dưới 25 triệu đồng/m2. Từ cuối năm 2023 đến nay, giá chung cư tại Hà Nội tăng quá cao, trung bình trên 50 triệu đồng/m2; tại thành phố Hồ Chí Minh gần 70 triệu đồng/m2.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nhất là Bộ Xây dựng phải thống kê được mặt bằng giá giao dịch bất động sản, nếu chỉ liệt kê một số dự án cụ thể, thì không thể giải được bài toán về sự mất cân đối cung - cầu của thị trường. Lưu ý phạm vi giám sát từ năm 2015 đến hết năm 2023, trước thời điểm Quốc hội đã thông qua 3 luật: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Do đó, cần đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đối tượng giám sát đối chiếu những vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật giai đoạn 2015 - 2023 với các luật mới được sửa đổi, bổ sung, tránh kiến nghị những nội dung đã được làm rõ trong các luật mới ban hành, bảo đảm đề xuất về hoàn thiện pháp luật đúng trọng tâm, nhất là vấn đề mới, nóng đang đặt ra, có giá trị cho công tác xây dựng pháp luật trong giai đoạn tới.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Dương Dung -

Hằng Nga -

Cao Hoàng