• 1383 lượt xem
  • 04:03 16/05/2023
  • Kinh tế

35 năm FDI: Việt Nam cần tái cơ cấu chính sách hút đầu tư

Gần 280 tỷ USD vốn FDI đã được giải ngân sau 35 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đó là số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trong cuộc hội thảo diễn ra sáng nay 15/5. Cộng đồng quốc tế đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong thu hút FDI. Tuy nhiên, xét về quy mô, Việt Nam vẫn đang thiếu những “nhà đầu tư đại bàng”.

Trong bối cảnh các quy định trên thế giới đang thay đổi rất nhanh như việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm sau, việc tái cơ cấu tổng thể các chính sách thuế và thu hút đầu tư là việc cấp thiết của Việt Nam lúc này. 

Tại hội thảo, các doanh nghiệp FDI cho biết, sau nhiều năm hoạt động tại Việt Nam, nhận thấy có nhiều dư địa phát triển, họ cho biết sẽ tiếp tục đầu tư tại đây.

Nhiều tập đoàn lớn đánh giá cao tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh của Việt Nam. Bên cạnh đó, là nước đông dân thứ 3 ở Đông Nam Á với 100 triệu dân, Việt Nam vừa có lợi thế về nguồn lao động vừa là điểm mạnh về thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ.

Dù thực tế lượng vốn FDI vẫn tăng theo năm, tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang thiếu vắng những “nhà đầu tư đại bàng”. Bình quân mỗi dự án FDI vào Việt Nam có quy mô khiêm tốn từ 15-16 triệu USD. Các doanh nghiệp FDI nhận định khi thuế tối thiểu toàn cầu 15% sẽ được áp dụng vào năm sau, Việt Nam cần có những điều chỉnh lớn trong chính sách ưu đãi đầu tư.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ là cơ hội để Việt Nam tái thiết lại hệ thống ưu đãi đầu tư. Thay thì chỉ tập trung chủ yếu vào các ưu đãi theo thu nhập, Việt Nam cần cân nhắc chuyển sang ưu đãi theo chi phí như thông lệ quốc tế. Theo đó, hỗ trợ một phần chi phí đầu tư vào tài sản cố định, đầu tư hoạt động nghiên cứu và phát triển và tăng trưởng bền vững.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Trương Tùng