Alo cử tri: Hà Nội - “Lùm xùm” dự án tu bổ di tích Gò Đống Thây

Dự án đầu tư xây dựng Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội thành một công viên văn hóa, lịch sử, tạo cảnh quan môi trường phát huy giá trị của di tích lịch sử cấp quốc gia này đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, cho rằng trình tự, thủ tục đầu tư dự án có nhiều dấu hiệu bất thường, nhất là trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, hàng chục hộ dân quận Thanh Xuân đã không đồng thuận khiến cho dự án chưa thể thực hiện. Ghi nhận của phóng viên chuyên mục Alo cử tri.

Mặc dù đã sinh sống tại địa phương hơn 60 năm, thế nhưng khi bị di dời để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây, gia đình ông An chỉ được đền bù một khoản tiền rất nhỏ gọi là hỗ trợ cơ sở vật chất, còn về đất thì không được đền bù.

Người dân cho biết, từ những năm 1970 - 1980, nhiều hộ dân đã sinh sống ở khu vực này. Đến năm 1990, di tích gò Đống Thây được công nhận là di tích lịch sử. Trong suốt mấy chục năm qua, cuộc sống của người dân vẫn ổn định, không xảy ra tranh chấp đất đai. Quá trình sử dụng đất, xây dựng các công trình trên đất, các gia đình không bị cơ quan có thẩm quyền nào xử lý vi phạm. Việc UBND Q. Thanh Xuân buộc họ di dời và không đền bù về đất là không thỏa đáng.

Lý giải về việc này, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân cho biết, hầu hết đất mà người đang sử dụng hiện nay là đất lấn chiếm, Do đó, khi thu hồi chỉ bồi thường chi phí đầu tư vào đất chứ không bồi thường về đất hay bố trí tái định cư.

Không đồng tình với phương án đền bù, 63 hộ dân có đất bị thu hồi để thực hiện Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Gò Đống Thây vẫn tiếp tục gửi đơn khiếu kiện đến các cơ quan chức năng có liên quan để yêu cầu xác định lại nguồn gốc đất của họ. Được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia từ những năm 1990, Dự án đầu tư xây dựng Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây sau rất nhiều lần điều chỉnh quy hoạch đến nay vẫn chưa thể triển khai do vấp phải sự phản đối của các hộ dân.

Dự án đầu tư xây dựng Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây hiện đang tồn tại những vướng mắc gì, vì sao người dân phản đối? Các cơ quan chức năng có liên quan có quan điểm như thế nào trước những kiến nghị của người dân? Truyền hình Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin tới quý vị trong chương trình sau.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!