Bài học nào từ chính sách văn hóa của Hàn Quốc?

Chiều 17/12, tham dự phiên toàn thể Hội thảo Văn hóa 2022 về “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá” diễn ra tại tỉnh Bắc Ninh, ông Park Nark Jong - nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa đã có bài giới thiệu về chính sách ngành văn hóa của Hàn Quốc.

Theo ông Park Nark Jong, kể từ giữa thiên niên kỷ thứ 2, khi làn sóng Hàn Quốc phát triển trên khắp thế giới, chủ yếu ở Châu Á, Châu Mỹ Latinh, Trung Đông, Châu Âu và Châu Mỹ, chính phủ Hàn Quốc đã tập trung vào một môi trường cạnh tranh bình đẳng và nghiêm ngặt bảo vệ bản quyền cho những người sáng tạo nội dung.

Qua đó đã thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cá nhân trong ngành công nghiệp nội dung tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng. Ngân sách quốc gia dành cho văn hóa cũng vì vậy mà không ngừng tăng lên.

Năm 2000, lần đầu tiên ngân sách văn hóa chiếm 1% tổng ngân sách quốc gia. Sau đó, quy mô ngân sách của chính phủ Hàn Quốc dành cho văn hóa đã tăng nhẹ mỗi năm, đến năm nay đã đạt 1,49% tổng ngân sách. Đó là động lực lớn để chính phủ phục hồi thị trường sáng tạo nơi mà các công ty và cá nhân không có đủ vốn sẽ được cung cấp điều kiện tốt nhất để thực hiện việc sáng tạo nội dung.

Hiện tại, Chính phủ Hàn Quốc đã có nhiều kinh nghiệm và ngày càng tự tin hơn vào khả năng cạnh tranh toàn cầu về nội dung văn hóa Hàn Quốc. Nhận thức được vị thế của ngành công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế quốc dân, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng chiến lược để chủ động dẫn dắt khu vực tư nhân. Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc gần đây đang chú ý đến những thay đổi trong thị trường nội dung văn hóa diễn ra kể từ đại dịch COVID-19. Việc tích hợp, tổ chức lại toàn bộ quá trình sản xuất, phân phối và tiêu thụ nội dung trong nền tảng kỹ thuật số toàn cầu đang diễn ra. Từ đây, Chính phủ Hàn Quốc hiện đang đặt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp nội dung như là nhóm ngành mũi nhọn của sự tăng trưởng, đổi mới.

Mời quý vị và các bạn theo dõi bài phát biểu của ông Park Nark Jong!

(*) Tham khảo thêm thông tin về hội thảo, mời các bạn truy cập tại đây: https://bit.ly/3HGk4nu

Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số