Bảo hiểm thất nghiệp "cứu cánh" cho người lao động

Trong bối cảnh nhiều người lao động đang bị thất nghiệp, mất việc làm do doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh thì bảo hiểm thất nghiệp chính là phao cứu sinh cho người lao động. Đây còn là chính sách nhân văn của Đảng, nhà nước, góp phần giúp người lao động giảm bớt khó khăn trước khi tìm được công việc mới.

Trước đây, anh Giang làm việc cho 1 doanh nghiệp Hàn Quốc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp gặp khó khăn nên phải đóng cửa. Để đảm bảo cuộc sống trước khi tìm được công việc mới, anh đã đến đây làm hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Bộ phận tiếp nhận thủ tục bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm dịch vụ việc làm Bắc Ninh. Đầu giờ sáng, nhưng người lao động đã đến đây làm hồ sơ để giải quyết thủ tục trợ cấp thất nghiệp rất đông. Đa số họ đều nằm trong diện chấm dứt hợp đồng do công ty ngừng hoạt động hoặc không đủ điều kiện để duy trì số lao động.

Bảo hiểm thất nghiệp là chính sách nhân văn có ý nghĩa quan trọng đối với người lao động, giúp chia sẻ gánh nặng tài chính trong lúc chưa tìm được việc làm. Nhất là trong giai đoạn đại dịch vừa qua, bảo hiểm thất nghiệp được xem là phao cứu sinh giải quyết không ít khó khăn cho người lao động. Năm 2022, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh đã tiếp nhận hơn 11.800 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó có trên 11.500 người được giải quyết, khoảng 1 nghìn người có việc làm và 130 người được được hỗ trợ học nghề.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ước tính đến hết năm 2022, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 14,33 triệu người, bằng khoảng 31,1% lực lượng lao động trong độ tuổi. Báo cáo tổng kết năm 2022 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ghi nhận, trong 11 tháng năm 2022 có trên 812.000 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm 2021 và trên 801.000 có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Phạm Cường