Biên giới biển đảo quê hương: Hợp tác, phát triển tuyến biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, núi liền núi, sông liền sông, nhân dân hai nước có tình hữu nghị truyền thống lâu đời. Trong chặng đường hơn 7 thập niên kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1950 đến nay, hợp tác luôn là dòng chảy chính trong quan hệ hai nước.

Những năm qua dù tình hình khu vực, thế giới có nhiều biến động song hợp tác Việt Nam – Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển trên mọi lĩnh vực từ kinh tế, thương mại, an ninh quốc phòng đến văn hóa, du lịch, giáo dục…Trong đó, hợp tác, phát triển tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, núi liền núi, sông liền sông, nhân dân hai nước có tình hữu nghị truyền thống lâu đời. Trong chặng đường hơn 7 thập niên kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1950 đến nay, hợp tác luôn là dòng chảy chính trong quan hệ hai nước. Những năm qua dù tình hình khu vực, thế giới có nhiều biến động song hợp tác Việt Nam – Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển trên mọi lĩnh vực từ kinh tế, thương mại, an ninh quốc phòng đến văn hóa, du lịch, giáo dục…Trong đó, hợp tác, phát triển tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.

Sau khi hai nước tuyên bố hoàn thành công tác phân giới cắm mốc năm 2008 và ký 03 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc năm 2009, việc thúc đẩy giao lưu, hợp tác trong quan lý, bảo vệ và phát triển khu vực biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo cấp cao hai nước.

Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10-1/11/2022) và của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (25-28/6/2023), hai bên nhất trí tăng cường giao lưu hữu nghị và hợp tác cùng có lợi giữa các địa phương hai nước, đặc biệt là các tỉnh khu biên giới; phát huy tốt vai trò của các cơ chế Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc, Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tiếp tục thực hiện tốt các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc và các thoả thuận liên quan...

Trên tinh thần đó, các bộ ngành, địa phương của hai nước tích cực thúc đẩy giao lưu, hợp tác trên mọi lĩnh vực, trong đó giao lưu, hợp tác giữa các địa phương khu vực biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc diễn ra sôi động, đạt nhiều thành quả tích cực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đặc biệt là nhân dân khu vực biên giới.

Sau quãng thời gian trầm lắng do đại dịch COVID-19, việc Trung Quốc chính thức mở cửa biên giới vào ngày 8/1/2023 đã tạo điều kiện để hợp tác trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc sôi động trở lại. Các cơ chế giao lưu, hợp tác, hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu được khôi phục và đẩy mạnh khi các cửa khẩu được mở cửa toàn diện. Theo số liệu từ Bộ Công Thương trong 10 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta với kim ngạch ước đạt 49,5 tỷ USD và là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 89,7 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam - Trung Quốc ước đạt 139,2 tỷ USD.

Triển khai hiệu quả Cửa khẩu số
Thời gian qua, Việt Nam và Trung Quốc tích cực phối hợp, áp dụng nhiều cơ chế, biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả thông quan hàng hoá, thúc đẩy thương mại biên giới giữa hai nước, trong đó có việc ứng dụng công nghệ số tại các cửa khẩu.

Tiêu biểu là Lạng Sơn, tỉnh đầu tiên trong cả nước ứng dụng công nghệ số trong quản lý hoạt động cửa khẩu. Nền tảng cửa khẩu số thực hiện số hóa hoàn toàn các thông tin khai báo của doanh nghiệp trước khi hàng hóa đến cửa khẩu. Các doanh nghiệp chỉ phải kê khai thông tin một lần từ 2 đến 5 phút trên máy tính hoặc điện thoại nên rất thuận lợi; đồng thời cũng sẽ biết hàng hóa, phương tiện của mình ở đâu và đang được xử lý ra sao. Việc triển khai thí điểm thành công Nền tảng cửa khẩu số tại Lạng Sơn đã giúp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu; giúp minh bạch hóa, hạn chế các tiêu cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong hoạt động xuất nhập khẩu, góp phần hiện đại hóa khu vực cửa khẩu, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngày 26/6/2023 tại Bắc Kinh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và Chính phủ Nhân dân Khu Tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã ký Thỏa thuận khung về thí điểm xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh. Theo đó, hai bên đồng ý cùng thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa cửa khẩu Hữu Nghị (Việt Nam)-Hữu Nghị Quan (Trung Quốc); tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Tân Thanh (Việt Nam)-Pò Chài (Trung Quốc). Việc triển khai xây dựng cửa khẩu thông minh sẽ đưa hoạt động thông quan giữa hai bên lên một tầm cao mới, với mục tiêu 24h “không đóng cửa” và “không phải chờ đợi”; qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy giao lưu kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc nói riêng, cũng như với các nước ASEAN và các nước khác nói chung.
Triển khai thí điểm Khu cảnh quan Thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc).

Từ Năm 2015, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc). Để thực hiện Hiệp định, hai Bên thành lập Ủy ban Điều phối hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch khu cảnh quan thác Bản Giốc - Đức Thiên giữa Chính quyền cấp tỉnh, phối hợp trong công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, thúc đẩy bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch khu cảnh quan...

Ngày 15/9 vừa qua, tại Trạm kiểm soát liên hợp mốc 834/1, hai bên đã phối hợp tổ chức lễ vận hành thí điểm khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc). Trong thời gian vận hành thí điểm, du khách hai nước thực hiện đăng ký trước theo hình thức đoàn ra, đoàn vào, số lượng mỗi đoàn không quá 20 người. Du khách sử dụng hộ chiếu, giấy thông hành xuất nhập cảnh để đi vào khu cảnh quan hai bên.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy hơn nữa hoạt động du lịch giữa hai nước, các địa phương biên giới đã tích cực trao đổi, phối hợp và triển khai nhiều biện pháp, cách làm hay. Điển hình như tại Quảng Ninh, địa phương hai bên đã phối hợp triển khai Thí điểm quản lý xe du lịch tự lái Trung Quốc vào TP. Móng Cái, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và phối hợp quản lý xe du lịch tự lái Việt Nam sang Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Theo đó, số lượng xe tự lái từ Trung Quốc vào Móng Cái (Việt Nam) và ngược lại, từ Móng Cái sang Đông Hưng (Trung Quốc) qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái là 300 xe/tháng/chiều, thời gian xe nhập cảnh, lưu hành sẽ không được quá 5 ngày/1 lần cấp phép và thời gian vận hành thí điểm lên đến 3 năm. Qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi các doanh nghiệp hai bên xây dựng các sản phẩm du lịch, chương trình xúc tiến, quảng bá phát triển du lịch giữa hai nước.

Công tác mở và nâng cấp cửa khẩu được hai bên quan tâm, thúc đẩy, ngày 17/10 vừa qua, tại mốc 456 biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc, thuộc địa phận thôn Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng (Mèo Vạc, Hà Giang) đã diễn ra Lễ công bố Mở chính thức Cửa khẩu song phương Săm Pun (Việt Nam) – Điền Bồng (Trung Quốc). Cửa khẩu Săm Pun - Điền Bồng chính thức đi vào hoạt động sẽ mở ra nhiều cơ hội giao lưu, hợp tác mới giữa huyện Mèo Vạc với huyện Phú Ninh, cũng như giữa tỉnh Hà Giang với châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Với chiều dài đường biên giới trên đất liền gần 1.500 km, đến nay, trên tuyến biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc có 14 cặp cửa khẩu (gồm 7 cửa khẩu quốc tế, 7 cửa khẩu song phương) và các lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá... Đây chính là điều kiện rất thuận lợi để Việt Nam – Trung Quốc thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Và có thể nói, những kết quả tích cực trong thúc đẩy hợp tác, phát triển tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các địa phương biên giới nói riêng và quan hệ hợp tác hai nước nói chung.

Với phương châm 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt", hợp tác giữa hai nước trong việc quản lý, bảo vệ, phát triển tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc chắc chắn sẽ không ngừng được củng cố và phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, đóng góp thiết thực cho thúc đẩy và làm sâu sắc quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam