Cà Mau: Nuôi tôm sinh thái dưới rừng ngập mặn

Tỉnh Cà Mau có khoảng 280 nghìn héc ta nuôi tôm, với sản lượng hàng năm trên 200 nghìn tấn, chiếm hơn 20% sản lượng tôm cả nước và kim ngạch xuất khẩu khoảng 1 tỷ USD. Với thế mạnh diện tích rừng ngập mặn tự nhiên lớn, tỉnh đang chú trọng phát triển và nhân rộng mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng đạt theo tiêu chuẩn quốc tế.

Huyện Ngọc Hiển là địa phương có diện tích nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng lớn nhất tại tỉnh Cà Mau, với hơn 20.000 héc ta. Đây là mô hình nuôi tôm được xem là bền vững bởi đầu ra ổn định. Đặc biệt, con tôm sinh thái luôn được thị trường thế giới ưa chuộng do không sử dụng thức ăn, hóa chất.

Hiện nay, các diện tích nuôi tôm sinh thái ở Cà Mau đều được các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản liên kết bao tiêu đầu ra. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng triển khai các chính sách hỗ trợ riêng nhằm tạo động lực cho các hộ dân giữ vững mô hình nuôi tôm sinh thái.

Toàn tỉnh Cà Mau hiện có hơn 80.000 héc ta nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng. Trong đó, có hơn 20.000 héc ta đã được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Trước yêu cầu của thế giới đặc biệt quan tâm đến vấn đề sản xuất tôm sạch thì con tôm sinh thái dưới tán rừng ở Cà Mau lại càng được khẳng định vị trí của mình trước tác động của biến đổi khí hậu, môi trường hây dịch bệnh. Đây được xem là mô hình bền vững, hướng đi tích cực trong tương lai.

Chí Điển