Các địa phương thiếu tính chủ động trong lồng ghép nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, chiều 30/10, tại nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang - tán thành nội dung trong Báo cáo kết quả giám sát “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Góp ý về bộ máy chỉ đạo tổ chức thực hiện 3 CTMTQG, đại biểu Tráng A Dương cho biết, Ban chỉ đạo các CTMTQG từ Trung ương đến địa phương đã phát huy bước đầu trong hoạt động điều hành, điều phối, đảm bảo các chương trình được triển khai thống nhất, đồng bộ. 

Tuy nhiên, bộ máy cơ quan tham mưu chủ trì tổ chức thực hiện chương trình chưa đồng bộ tại các cấp, nhiều địa phương chưa tổ chức thực hiện công tác dân tộc cấp huyện, phòng chuyên trách, phòng dân tộc. Biên chế làm công tác dân tộc phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau, thường xuyên thay đổi vị trí công tác, dẫn đến bất cập, khó khăn trong công việc tham mưu, giúp việc cho ban chỉ đạo các cấp…

Do đó, đại biểu Tráng A Dương đề nghị cấp có thẩm quyền chỉ đạo thống nhất bộ máy tổ chức, quản lý chương trình từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo vận hành hiệu quả, nhất là việc bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện các CTMTQG đối với cấp xã, cấp trực tiếp triển khai chương trình, đưa chương trình tới người dân.

Đồng thời, đề nghị lập và giao kế hoạch danh mục đầu tư công giai đoạn hàng năm. Đại biểu cũng kiến nghị cho phép địa phương phân bổ, giao dự kiến tổng nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, chưa bắt buộc giao tên danh mục, quy mô dự án cụ thể. 

Việc giao quy hoạch vốn sự nghiệp thực hiện các CTMTQG hàng năm theo từng lĩnh vực, dự án, tiểu dự án thành phần từ Trung ương đến địa phương đúng quy định của Luật Đầu tư ngân sách, tuy nhiên đại biểu Tráng A Dương nhận thấy, thực tế đây là một trong những điểm vướng mắc nhất, các địa phương thiếu tính chủ động trong việc lồng ghép nguồn vốn điều chỉnh dự toán linh hoạt, chưa thể sử dụng nguồn vốn có hiệu quả.

Vì vậy, đại biểu Tráng A Dương kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét ngân sách năm 2024, Trung ương giao tổng thể kế hoạch vốn sự nghiệp CTMTQG không giao dự toán quá chi tiết từng dự án và nguồn vốn theo từng dự án, lĩnh vực cụ thể để các địa phương chủ động trong triển khai thực hiện, đảm bảo sử dụng nguồn lực có hiệu quả, giải ngân đúng kế hoạch và tiến độ hàng năm.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam