Cần chính sách, giải pháp lâu dài quan tâm đến trẻ em

Trước tình trạng còn nhiều trẻ em không nơi nương tựa chưa được quan tâm chăm sóc nhất là sau đại dịch COVID-19 hay trẻ em bị đuối nước vẫn luôn đứng đầu trong các tai nạn thương tích của trẻ, các đại biểu Quốc hội đều nhấn mạnh nguyên tắc xuyên suốt trong xây dựng chính sách pháp luật đều là vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Khẳng định công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em thời gian qua đã được Chính phủ trực tiếp là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quan tâm chỉ đạo. Trong đại dịch COVID-19, trẻ em đã được hỗ trợ bằng nhiều chính sách cụ thể nhưng cũng còn một số vấn đề nổi lên rất đáng quan tâm, đặc biệt về công tác chăm sóc trẻ mồ côi không nơi nương tựa sau đại dịch.

Bà NGUYỄN THỊ MAI THOA, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: “Đề nghị Chính phủ và các địa phương cần xác định chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ không nơi nương tựa là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được ưu tiên hàng đầu trong công tác bảo đảm an sinh xã hội, ổn định tình hình đất nước sau đại dịch. Chúng ta cần phải có chính sách, giải pháp lâu dài hỗ trợ cho các cháu về vật chất và quan trọng hơn là tư vấn tâm lý để động viên các cháu vượt qua khó khăn, khủng hoảng, tiếp tục học tập, phấn đấu trong điều kiện tốt nhất.”

Liên quan đến trẻ em, Đại biểu Bùi Xuân Thống, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai bày tỏ quan tâm tới vấn đề phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước. Đây là bài toán tồn tại nhiều năm nhưng không có lời giải mà mỗi lần hậu quả để lại đều đau lòng cho gia đình và toàn xã hội. Đại biểu kiến nghị Chính phủ tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai để các chính sách đi vào thực tiễn, mang lại kết quả cao.

Ông BÙI XUÂN THỐNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: “Kiến nghị Chính phủ tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai và kiểm tra kết quả thực hiện Quyết định 1248 nghiêm túc để các chính sách đi vào thực tiễn, mang lại kết quả cao. Đẩy mạnh công tác truyền thông về công tác phòng, chống tai nạn đuối nước, thương tích cho trẻ em. Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực cho các trường học, nhất là vùng nông thôn, khó khăn để đáp ứng được việc dạy bơi em học sinh. Kêu gọi sự quan tâm, chăm lo hơn nữa của xã hội với sự an toàn của trẻ, những người chủ tương lai của đất nước.”

Theo số liệu thống kê hàng năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước, trung bình mỗi ngày có 5 trẻ em bị đuối nước, đứng đầu trong các tai nạn thương tích của trẻ. Trong đó, tỷ lệ tử vong do đuối nước ở nông thôn cao gấp 4 lần thành thị. Từ thực tế này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của các cấp cách ngành, nhà trường và mỗi gia đình trong việc dạy bơi, dạy kỹ năng, cung cấp trang thiết bị dạy bơi, dạy kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam