Cần cơ chế đặc thù tạo đà phát triển cho đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên

Đề xuất thí điểm 5 cơ chế đặc thù, được áp dụng trong vòng 5 năm kể từ ngày 01/01/2023, là thời cơ để TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk tiếp nối đà nhằm phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Đề xuất thí điểm 05 cơ chế đặc thù cho TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk được đưa ra nhằm kế thừa và phát huy tối đa hiệu quả sau hơn 10 năm thực hiện Kết luận số 60 và 03 năm thực hiện Kết luận số 67 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Đến nay, nền kinh tế xã hội, mức sống của người dân của thành phố được phát triển một cách toàn diện, an ninh chính trị được giữ vững, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và phát huy.

Tuy nhiên, để các cơ chế đặc thù được áp dụng cho TP Buôn Ma Thuột trong thời gian tới mang lại hiệu quả cao nhất thì cũng cần có giải pháp nhằm tháo gỡ nhiều vướng mắc như rào cản về đặc thù an ninh chính trị vùng Tây Nguyên, tạo hành lang pháp lý để các doanh nghiệp lớn, nhất là các doanh nghiệp có vốn FDI có môi trường thuận lợi để đầu tư. Đây là thách thức không nhỏ đối với các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương.

Mặc dù nhiều khó khăn vẫn còn phía trước, nhưng việc áp dụng thí điểm các cơ chế đặc thù cho TP Buôn Ma Thuột là minh chứng cho sự quan tâm sâu sắc của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan về sự phát triển bền vững của tp Buôn Ma Thuột nói riêng và toàn tỉnh Đắk Lắk nói chung. Với đà phát triển hiện tại được cộng hưởng của cơ chế đặc thù, chính quyền và nhân dân TP. Buôn Ma Thuột đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm bình quân hằng năm đạt trên 13%. Cơ cấu kinh tế ngành dịch vụ đạt 67%; công nghiệp và xây dựng đạt 30%. Thu ngân sách nhà nước tăng bình quân hằng năm trên 12%. Tầm nhìn đến 2045 xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột sẽ trở thành đô thị trực thuộc Trung ương.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Ngọc Duy