Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Cần nâng tỉ lệ đóng góp từ người gây ô nhiễm hơn 10%

"Hiện nay chúng ta mới có 10% đóng góp từ người gây ô nhiễm. Chúng ta phải nâng tỷ lệ này lên" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tại phiên chất vấn hôm 16/3, coi đây như là một trong những giải pháp nhằm giúp thu hút doanh nghiệp đầu tư cho việc xử lý rác thải.

Trong hoạt động xử lý chất thải, công nghệ không phải là vấn đề khó, điểm khó là làm sao để thu hút các thành phần kinh tế tham gia để đảm bảo tính bền vững, làm cho môi trường ngày càng sạch đẹp. Đây là vấn đề được các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Cho rằng phương thức xử lý rác thải từ khâu phát sinh đến khâu thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải rắn sinh hoạt trong thực tế còn nhiều bất cập, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ vẫn đề này.

Bà CHÂU QUỲNH DAO - Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang: “Trong số 20% lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý trong những bãi rác hợp vệ sinh thì những bãi rác này có hoàn toàn đáp ứng quy chuẩn quốc gia về xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành? Bởi hiện tại quá tải sẽ ảnh hưởng đến quy trình vận hành, như là thu phí hay là thu nước rỉ rác"

Ông TRẦN HỒNG HÀ  - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Khi nói vấn đề tiếp cận, quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị, nông thôn thì sẽ bắt đầu từ quy hoạch. Quy hoạch tỉnh lần này đề nghị các địa phương phải rà soát lại, cái gì trên quy hoạch cũ, cái gì là quy hoạch mới, quy hoạch đó phải có quy hoạch cả trung chuyển. Quy hoạch rác là không xử lý phân tán mà nên tính toán để xử lý tập trung bởi vì công nghệ dưới 500 tấn một ngày có nghĩa là công nghệ chưa đạt và chi phí sẽ không hiệu quả về mặt kinh tế.”

Còn theo Đại biểu Nguyễn Quang Huân, đoàn Bình Dương, thực trạng vệ sinh môi trường đặc biệt là rác thải cũng đang là 1 thách thức bởi hiện nay cả nước đang thải 60.000 tấn rác, chủ yếu chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường.

Ông NGUYỄN QUANG HUÂN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương: “Bộ Xây dựng cho biết hiện nay mới xử lý được 15% nước thải đô thị, trong khi chỉ tiêu đến 2030 là 70%. Cả nước đang thải 60.000 tấn rác, chủ yếu chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường, vậy Bộ có biện pháp gì xử lý rác này?

Ông TRẦN HỒNG HÀ  - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Chất thải rắn chôn lấp không hợp vệ sinh gây hệ lụy rất lớn cho môi trường, hơn nữa đây là tài nguyên nhưng chưa được tái chế sử dụng hiệu quả. Năm 2022, Bộ sẽ tổng kết đánh giá toàn bộ trung tâm xử lý chất thải, tình trạng môi trường hiện nay và công bố công nghệ để các địa phương lựa chọn công nghệ tái chế phù hợp.

Khẳng định trong hoạt động xử lý chất thải, công nghệ không phải là vấn đề khó, điểm khó là làm sao để thu hút các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp tham gia vào thị trường xử lý chất thải, đại biểu đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có cơ chế thu hút nguồn xã hội hoá vào lĩnh vực này.

Bà LÊ ĐÀO XUÂN AN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên: “Bộ trưởng có giải pháp nào để thúc đẩy nhanh hơn, để ban hành mới hoặc sửa đổi để các chính sách xã hội hóa như lúc nãy Bộ trưởng có đề cập, thật sự hiệu quả và thu hút được doanh nghiệp trong thời gian tới?”

Ông TRẦN HỒNG HÀ  - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Hiện nay chúng ta đã có luật PPP. Trong Luật Bảo vệ môi trường đã có Điều 144 về các dịch vụ và các dịch vụ này phải dựa trên một căn cứ thị trường, đó là các dịch vụ này phải trả bằng giá, hiện nay chúng ta mới có 10% đóng góp từ người gây ô nhiễm. Chúng ta phải nâng tỷ lệ này lên. Chúng ta sẽ có các biện pháp khuyến khích, từng bước sẽ nâng lên cùng với đời sống kinh tế, xã hội…"

Bộ  trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết  việc xử lý chất thải rắn, tới đây sẽ theo hướng thay đổi quan điểm thay vì chôn lấp, không hợp vệ sinh sang việc coi đây là một loại tài nguyên phải tái sử dụng, tái chế có hiệu quả./.