Câu chuyện hôm nay: Mở rộng chính sách tín dụng tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Các chương trình chính sách tín dụng dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, góp phần giảm nghèo bền vững, giúp phát triển kinh tế xã hội vùng sâu vùng xa, đưa mục tiêu chương trình quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đi vào thực chất, chiều sâu.

Riêng tại tỉnh Quảng Trị, đã có trên 750 tỷ đồng được Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh giải ngân cho trên 20 ngàn hộ là đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, hỗ trợ kinh phí học tập và xuất khẩu lao động. Thậm chí có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện biên giới như Đakrông và Hướng Hóa được vay vốn từ 2 đến 3 chương trình tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo. 

Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã triển khai thực hiện kịp thời và có hiệu quả các chính sách giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số như: Chính sách vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số, giúp bà con có nguồn vốn để đầu tư, phát triển sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm năm 2022, thực hiện chương trình ủy thác cho vay qua các Hội, đoàn thể, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân cho 11.222 lượt hộ vay vốn với tổng kinh phí giải ngân trên 492,6 tỷ đồng, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số tập trung ở hai huyện Đakrông và Hướng Hóa có 1.637 lượt hộ vay.

Mỹ Phượng