Chất vấn để minh bạch hoá chính sách, tạo đồng thuận trong thực thi chính sách

Sau 1 ngày làm việc nghiêm túc với 80 đại biểu đăng ký chất vấn, trong đó có 10 đại biểu tham gia tranh luận, phiên chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành tốt đẹp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, dân chủ, cho thấy việc lựa chọn và quyết định hai nội dung chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV là đúng và trúng; đồng thời, thể hiện rất sinh động tinh thần đổi mới, chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa của Quốc hội.

Để tiếp tục triển khai nhiệm vụ tạo sự chuyển biến thực sự trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý một số nội dung, trong đó đối với lĩnh vực công thương, đề nghị Chính phủ cần xây dựng kịch bản điều hành giá xăng dầu nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục biến động mạnh cũng như giải pháp để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng trong mọi tình huống, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: "Chỉ đạo làm rõ thực trạng và có giải pháp tổng thể để giải quyết những vướng mắc của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn; xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với việc không thực hiện đầy đủ cam kết trong các hợp đồng; nghiên cứu đề xuất mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ xăng dầu, nhất là dự trữ quốc gia, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; có giải pháp tách bạch giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông của doanh nghiệp.

“Điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Rà soát và điều chỉnh các loại thuế, phí, các yếu tố cấu thành giá cơ sở…..trong công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu cho phù hợp với thực tế, góp phần kiểm soát giá xăng dầu nếu giá tiếp tục tăng cao. Sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân. 

Chính phủ sớm trình các cơ quan của Quốc hội để thẩm tra và xem xét để giảm giá thuế môi trường….và khi giá diễn biến phức tạp thì kết hợp quỹ bình ổn…, kết hợp các công cụ khác để bình ổn thị trường… Cái này chúng ta đã có kinh nghiệm điều hành trong giai đoạn trước… Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý, trái quy định.”

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, cần tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết về chất vấn của Quốc hội trong công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả; ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ ngay từ tuyến biên giới đường biển và đường bộ, nhất là đối với mặt hàng vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19. Trong năm 2022, ban hành các đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Chính phủ cần có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nhất là mặt hàng nông sản. Có chính sách thúc đẩy nhanh và mạnh sang xuất khẩu hàng hóa chính ngạch, phải có cam kết cụ thể, rõ ràng trong triển khai thực hiện.

Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, rà soát, nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật Đấu giá tài sản và các luật khác có liên quan để khắc phục những vướng mắc, bất cập đảm bảo quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai. 

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Chú trọng đến các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất không để xảy ra tình trạng lợi dụng các phiên đấu giá để trục lợi; đặc biệt là quy định chặt chẽ về điều kiện tham gia đấu giá, việc xác định giá khởi điểm, thời hạn nộp tiền trúng đấu giá; việc xử lý khi cuộc đấu giá có dấu hiệu bất thường; có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn các trường hợp trúng đấu giá nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết. 

Sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan phù hợp với pháp luật đất đai để bảo đảm tính thống nhất trong điều chỉnh các quan hệ về đất đai, tài sản gắn liền với đất, giao dịch quyền sử dụng đất, các quy định về hợp đồng, đặt cọc khi mua bán chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai. Tiếp tục thanh tra kiểm tra theo quy định…., không hình sự hoá các quan hệ dân sự và hành chính”.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cần thực hiện tốt các chính sách mới trong Luật Bảo vệ môi trường; kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải, khí thải công nghiệp; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; sớm phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đặc biệt là chế tài xử lý vi phạm; thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật thu gom, xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt; ưu tiên sử dụng công nghệ xử lý, tái chế thân thiện môi trường; công nghệ xử lý chất thải rắn thu hồi năng lượng; chú trọng giải pháp, phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nhựa, chất thải y tế, đặc biệt là chất thải lây nhiễm phát sinh do dịch bệnh COVID-19. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hoạt động chất vấn chính là sự cảnh báo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một vấn đề hay một thực trạng cần được lưu ý giải quyết.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Chất vấn cũng là cơ hội để các tư lệnh ngành thực hiện trách nhiệm giải trình, minh bạch hóa các chính sách được ban hành để từ đó gián tiếp tạo nên sự đồng thuận trong thực hiện chính sách, không chỉ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước mà còn từ phía các tầng lớp Nhân dân trong xã hội. 

Trên cơ sở chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội và trả lời của các thành viên Chính phủ, kết luận đối với từng phiên chất vấn về từng nhóm vấn đề, tôi đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, chuẩn bị thật tốt Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua tại đợt 2 phiên họp thứ 9. 

Đây cũng là một trong những đổi mới căn cơ trong hoạt động chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiền đề quan trọng cho việc tiếp tục chủ động đổi mới trong hoạt động giám sát nói chung và hoạt động chất vấn nói riêng, làm cho hoạt động giám sát thực sự trở thành một trong những công cụ kiểm soát quyền lực hiệu quả nhất. Góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”.

Chủ tịch Quốc hội cũng đồng thời yêu cầu, ngay sau phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ, các vị bộ trưởng, trưởng ngành, thành viên Chính phủ thực hiện quyết liệt những cam kết trước UBTVQH và cử tri cả nước, làm cơ sở để UBTVQH giám sát việc thực hiện, đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của nhân dân.

Dương Dung