Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế: Nên có cơ chế đặc thù trong đấu giá băng tần

Sáng 9/8, tại nhà Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đồng chủ trì phiên họp. Vấn đề nên có cơ chế đặc thù trong đấu giá băng tần để tránh thất thoát lãng phí được các đại biểu quan tâm thảo luận.

Một trong những điểm mới được bổ sung trong Dự thảo Luật là quy định về đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù bao gồm quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, tài sản thi hành án dân sự, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, quyền khai thác khoáng sản...Cho ý kiến về cách thức điều hành cuộc đấu giá tần số vô tuyến điện, đại diện Bộ Thông tin truyền thông cho rằng, nên giao Chính phủ quy định chi tiết bởi đây là lĩnh vực đặc thù mà trình tự, cách thức đấu giá, trả giá của Luật Đấu giá tài sản không phù hợp. Bên cạnh đó cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có thể đấu giá được các băng tần khác nhau cũng như trường hợp đấu giá có 1 người tham gia.

Hiện, tài sản đấu giá ngày càng mở rộng, nhiều cuộc đấu giá được tổ chức thành công với giá trị bán được cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, nộp ngân sách nhà nước đạt giá trị lớn. Thống kê từ tháng 7/2017 đến tháng 12/2022, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức hơn 200.000 cuộc đấu giá, chênh lệch giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm là gần 110.000 tỷ đồng, qua đó, góp phần tích cực cho việc quản lý, sử dung tài sản công, phát triển kinh tế - xã hội.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Diệu Huyền -

Minh Công