Chủ tịch Quốc hội: Sửa Luật Thủ đô tạo cơ hội để Hà Nội vươn tầm khu vực, thế giới

Phát biểu kết luận cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, việc xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) là cơ hội rất lớn tạo lợi thế để Hà Nội phát triển vươn lên tầm mới, vị thế mới của cả nước, khu vực và thế giới. Do đó, dự án luật cần bám sát các chủ trương, chính sách và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, trước bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều biến động, thuận lợi, khó khăn thách thức đan xen, nhưng Thành uỷ, thành phố Hà Nội đã có nhiều nỗ lực lãnh đạo chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội Chính phủ đạt nhiều kết quả toàn diện và quan trọng.

Về dự án Luật Thủ đô, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là cơ hội rất lớn tạo lợi thế để Hà Nội phát triển vươn lên tầm mới, vị thế mới của cả nước, khu vực và thế giới. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, xây dựng dự án luật trên cơ sở tổng kết thực tiễn, đây là căn cứ rất quan trọng để đề xuất, kiến tạo các chính sách phát triển thủ đô. Thể chế hóa các quan điểm mới nhất, trực tiếp nhất liên quan đến Hà Nội liên quan đến Thủ đô Hà Nội là Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị năm 2022 với mục tiêu là xây dựng phát triển thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị quốc gia, trái tim của cả nước, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế….

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Luật Thủ đô thực chất là một đạo luật về phân quyền. Phát triển Thủ đô không phải trách nhiệm của riêng Thủ đô mà còn là trách nhiệm của cả nước. Vì vậy, các quy định trong Luật Thủ đô cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Luật Thủ đô phải tạo cơ sở pháp lý để giúp Thủ đô tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay, trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô...  Trong quá trình xây dựng dự án luật, TP Hà Nội cần tham vấn các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhân dân; tổ chức toạ đàm, hội thảo để lấy ý kiến sâu rộng liên quan đến Luật.

Hoàng Hương -

Quang Sỹ