Chuyên gia an ninh mạng cảnh báo nguy cơ lộ thông tin cá nhân khi đi mua hàng

Hiện nay, việc cung cấp thông tin cá nhân diễn ra khá phổ biến trong mua bán hay tiêu dùng hàng ngày. Người mua thường không để ý, dễ dàng cung cấp thông tin cá nhân của bản thân. Các chuyên gia về an ninh mạng cảnh báo, chính những thông tin cơ bản như tên, số điện thoại, địa chỉ,... là chìa khóa để tội phạm mạng có thể thực hiện được các hành vi lừa đảo.

Mua quần áo ... đăng ký thẻ thành viên. Mua đồ ở siêu thị ... cũng đăng ký thẻ thành viên. Bất cứ hoạt động nào hiện nay, người mua cũng được yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân cơ bản như tên, số điện thoại, địa chỉ,... Thế nhưng phần lớn chúng ta đều không biết những thông tin này sẽ là dữ liệu để tội phạm hoạt động.

TS VŨ QUỐC KHÁNH, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam: “Để mà đăng ký tài khoản đấy thì cần phải cung cấp số điện thoại rồi tên mình rồi số điện thoại của mình để sử dụng hoặc biết 1 thông tin nào đó. Và từ đó các thông tin bị thu thập và có thể bị trao đổi 1 cách trái phép. Nhưng đó là những điều bị cấm bởi pháp luật. Hiện nay trong thị trường chợ đen hay giới kinh doanh ngầm họ vẫn có cái việc trao đổi buôn bán danh mục số điện thoại rồi cũng có các kênh thu thập các số điện thoại và thông tin cá nhân đó”.

Các chuyên gia cảnh báo, người tiêu dùng nên cảnh giác trước các thủ đoạn của các đối tượng tội phạm công nghệ cao.

Ông ĐỖ ĐÌNH RÔ, Trưởng phòng Thanh tra Viễn thông và CNTT, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông: “Khi chúng ta nhận được bất cứ tin nhắn nào mà yêu cầu xác thực tài khoản ngân hàng, cung cấp thông tin cá nhân, hay thực hiện các hành vi khác mà nó là quyền của cá nhân chúng ta thì việc đầu tiên là hết sức cẩn thận và không thực hiện ngay. Chẳng hạn như được gửi những đường link đến điện thoại của chúng ta, người dân không nên ấn vào những đường link đó”.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), có tới 80% nguyên nhân lộ lọt thông tin cá nhân là xuất phát từ chính sự bất cẩn của người dùng. 

Ông ĐỖ ĐÌNH RÔ, Trưởng phòng Thanh tra Viễn thông và CNTT, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông: “Trong trường hợp các tổ chức cá nhân thu thập thông tin rồi đem ra bán, cho người khác sử dụng thông tin đó là vi phạm pháp luật. Về phía người dân, trước khi cung cấp thông tin cá nhân của mình phải yêu cầu bên thu thập nêu rõ mục đích thu thập làm gì, và phải yêu cầu họ nêu rõ biện pháp đảm bảo an toàn thông tin mình cung cấp”.

Điện thoại di động ngày càng trở thành một người phụ tá đắc lực với việc tích hợp đa dạng các tác vụ cần thiết cho đời sống hàng ngày. Thế nhưng, chính điều này cũng mang đến rủi ro cho người sử dụng. Biện pháp bảo vệ hiệu quả nhất cho người dùng trước những vụ tấn công, lừa đảo trên mạng đó là hạn chế tối đa việc cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân như số điện thoại, e-mail.

Đức Hải