Cơ chế tự chủ chưa được quy định trong Dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi)

Cho ý kiến về dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi), vấn đề cơ chế tự chủ đối với cơ sở y tế công lập, nhận được nhiều sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội bày tỏ băn khoăn khi trong thời gian qua có hàng chục nghìn cán bộ y tế nghỉ việc; nhiều bệnh viện lớn xin thôi không thực hiện cơ chế tự chủ mà chuyển sang cơ chế hưởng bao cấp từ ngân sách. Theo đại biểu nguyên nhân căn bản là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện khai thác, phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có của mình.

Ông HOÀNG VĂN CƯỜNG - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: "Tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, các đơn vị y tế công lập nói riêng là một xu thế tất yếu, song trong toàn bộ dự thảo luật chưa có nội dung nào đề cập đến cơ chế tự chủ của các cơ sở khám, chữa bệnh công lập. Cần phải quy định rõ tự chủ là trao quyền cho các bệnh viện được tự quyết định trong hoạt động khám, chữa bệnh, được quyền quyết định về tổ chức bộ máy và con người phù hợp với các hoạt động khám, chữa bệnh của bệnh viện, tự chủ trong quyết định những vấn đề về tài chính của bệnh viện, kể cả nguồn tài chính do ngân sách đầu tư."

Ông TRỊNH XUÂN AN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: "Thực tế hiện nay cơ chế cho các bệnh viện tự chủ vừa rồi như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K thì gần như hiện tượng con thuyền đã bị đắm vì cơ chế không đầy đủ, không đến nơi đến chốn. Đặc biệt là 2 vấn đề lớn trong tự chủ về con người và vấn đề kinh phí đều không giải quyết được."

Ông NGUYỄN HẢI DŨNG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định: "Vấn đề thực tiễn đang đặt ra khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính cho các cơ sở khám, chữa bệnh công lập, cần thiết phải được luật hóa một cách minh bạch, vừa để Nhân dân, người bệnh rõ về cách thức vận hành của cơ sở khám chữa bệnh, vừa để cơ sở khám chữa bệnh và người hành nghề yên tâm điều hành hoạt động cơ sở, yên tâm và dành nhiều thời gian hơn cho công tác chuyên môn là khám bệnh và chữa bệnh."

Theo một số đại biểu, việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ hiện nay còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập không cân đối, không tự chủ được nguồn tài chính. Ngoài ra, các căn cứ, cơ sở pháp lý còn thiếu.

Ông DƯƠNG TẤN QUÂN - Đại biểu Quốc hội Bà Rịa – Vũng Tàu: "Hiện các bệnh viện không chỉ thiếu thuốc mà sắp tới thì có thể sẽ thiếu một số trang thiết bị y tế do hư hỏng mà không sửa được như các máy kỹ thuật cao. Đây là các loại máy độc quyền, đề nghị Quốc hội, Ban soạn thảo xem xét thấu đáo việc thực hiện rà soát, đánh giá và hoàn thiện hệ sống pháp luật về cơ chế tự chủ đối với sự nghiệp công lập, y tế công lập, liên doanh, liên kết đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực y tế và chính sách liên quan để bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, phù hợp với tình hình mới và đáp ứng yêu cầu phát triển của hệ thống y tế công lập."

Bà TRẦN KHÁNH THU - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình: "Phân loại mức độ tự chủ của bệnh viện công lập cần gắn với phân hạng bệnh viện và việc phân hạng bệnh viện phải dựa trên cơ sở đánh giá chất lượng bệnh viện. Tôi đề nghị xem xét nghiên cứu để luật hóa một số quy định của Nghị định 60 về tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, phù hợp với đặc thù ngành y tế nhất, đó là các quy định tại Mục 1 Chương III về tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế, dân số ở các Điều 26, 27, 28 của Nghị định 60 vào nội dung dự thảo luật..."