• 1438 lượt xem
  • 18:28 14/01/2024
  • Kinh tế

Cơ hội nào cho ngành tái chế săm lốp cao su?

Việc thu mua cao su phế liệu để tái chế thành nhiên liệu tái sinh đã góp phần không nhỏ bảo vệ môi trường. Nhiều giải pháp tối ưu đã được triển khai trong “cuộc cách mạng” tái chế, xử lý phế thải công nghiệp độc hại. Theo các chuyên gia, nếu có kế hoạch đầu tư bài bản, dư địa cho ngành tái chế là vô kể. Đặc biệt, khi quy định thực hiện trách nhiệm tái chế của doanh nghiệp (EPR) vừa có hiệu lực thi hành, ngành tái chế của Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn chưa từng có để phát triển.

Săm lốp xe được làm bằng cao su và nhựa tự nhiên. Đây chính là thủ phạm phát tán 28% số hạt vi nhựa ra đại dương. Khiến ô nhiễm nhựa ở biển ngày càng trầm trọng. 

Thế nhưng ít ai biết, những chiếc săm lốp xe sau khi được tái chế có thể trở thành nguồn năng lượng giá trị cao. Tại Chile, T-Phite đã sử dụng công nghệ nhiệt phân để thu gom cacbon đen từ lốp xe cũ. Sau đó tinh chế ra cacbon grafit – thành phần thiết yếu trong cực dương của pin xe điện.

Còn ở nước ta, thời gian gần đây cũng đã có những doanh nghiệp tiếp cận đến mảng tái chế săm lốp, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực. 

Tuy nhiên, theo thống kê tại Việt Nam mới chỉ có khoảng 10% săm lốp, cao su phế thải được tái chế mỗi năm. Quy định doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm tái chế (EPR) theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 vừa có hiệu lực được cho là cơ hội lớn giúp ngành tái chế Việt Nam phát triển hơn thời gian tới.  

Theo các chuyên gia, bên cạnh quy định bắt buộc, những chính sách khuyến khích tái chế cũng cần cập nhật thường xuyên để có thể thu hút nhà đầu tư và người tiêu dùng.

Để lĩnh vực tái chế hoạt động hiệu quả, cần xây dựng, thực hiện hiệu quả kế hoạch tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng; hình thành ý thức, thói quen của người dân trong việc thu gom, tái chế, xử lý phế thải công nghiệp độc hại.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Hà Giang -

Sỹ Cường