COP26: Gỡ rào cho định hình và phát triển nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam

Nông nghiệp tuần hoàn là chìa khóa, là động lực tiến tới nền nông nghiệp xanh, chi phí thấp, hạn chế sử dụng tài nguyên, giảm phát thải nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường. Nhưng tại nước ta việc áp dụng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như về nhận thức, việc tái sử dụng phụ phế phẩm nông nghiệp và chưa có hành lang pháp lý, thiếu hướng dẫn...

PHỤ PHẨM NÔNG NGHIỆP: NGUỒN TÀI NGUYÊN ĐANG BỊ LÃNG PHÍ

Nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu mà còn là nguồn gây phát thải khí nhà kính đáng kể. Mỗi năm, sản xuất nông nghiệp nước ta thải ra môi trường khoảng 80 triệu tấn khí thải CO2 quy đổi, chiếm 25- 30% tổng lượng khí thải và một nửa trong số đó đến từ các hoạt động sản xuất lúa gạo.

Quá trình sản xuất nông nghiệp cũng gây phát sinh lượng lớn phụ phẩm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tính tổng khối lượng phụ phẩm nông nghiệp của Việt Nam mỗi năm là khoảng 160 triệu tấn. Nhưng thực tế cho thấy việc sử dụng, chế biến phế phụ phẩm nông nghiệp hiện nay vẫn chưa đồng bộ, chưa hiệu quả, lãng phí còn rất lớn, chưa tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng cao và chưa xây dựng được thương hiệu có uy tín trên thị trường toàn cầu.

RÀO CẢN TRONG PHÁT TRỂN NÔNG NGHIỆP TUẦN HOÀN

Thực tế, ở nước ta, thuật ngữ “nông nghiệp tuần hoàn” còn khá mới mẻ, nhận thức về vai trò, lợi ích, bản chất của nông nghiệp tuần hoàn vẫn còn chưa thật sự đầy đủ. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, phát triển nông nghiệp tuần hoàn vẫn còn gặp nhiều rào cản, chưa đạt được như kỳ vọng và tiềm năng khai thác còn rất lớn.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã từng bước quan tâm hơn đến sản xuất nông nghiệp bền vững, nông nghiệp hữu cơ, nhưng về cơ bản vẫn chú trọng đến gia tăng sản lượng, chứ chưa tạo được động lực để phát triển nông nghiệp tuần hoàn.

Hiện nay, năng lực của đội ngũ cán bộ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ xử lý chất thải, phế, phụ phẩm trong nông nghiệp còn thiếu khiến cho việc tập huấn, tuyên truyền tái chế, tái sử dụng phụ, phế phẩm cho đại bộ phận người nông dân bị hạn chế.

KHUNG CHÍNH SÁCH VÀ PHÁP LUẬT VỀ NÔNG NGHIỆP TUẦN HOÀN CÒN CHƯA ĐẦY ĐỦ

Vấn đề pháp luật về kinh tế tuần hoàn nói chung và chính sách cho phát triển nông nghiệp tuần hoàn nói riêng cũng còn chưa đầy đủ, là rào cản chính cho sự phát triển nông nghiệp tuần hoàn ở nước ta.

Hiện nay, chúng ta chưa có hành lang pháp lý, thiếu hướng dẫn và tiêu chuẩn hóa cho triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn nói chung, nông nghiệp tuần hoàn nói riêng. Vì vậy, các mô hình hiện được áp dụng cũng chưa thật sự thực chất, đúng nghĩa, hầu như chỉ là tự phát.

Hiện các quy định về kinh tế tuần hoàn nói chung, nông nghiệp tuần hoàn nói riêng nằm rải rác ở các luật, nghị định khác nhau. Một số vấn đề về tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn liên quan đến thu gom, vận chuyển và tái sử dụng, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp tuần hoàn còn vướng mắc, điều kiện cấp vốn còn bỏ ngỏ nên rất khó khăn trong triển khai.

Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có trao đổi với PGS.TS MAI VĂN TRỊNH, Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!