• 1081 lượt xem
  • 07:24 11/04/2022
  • Kinh tế

COP26 | Số 2 | Bảo đảm nguồn vốn đầu tư hướng tới tăng trưởng xanh bền vững

Tài chính xanh đang là 1 hướng đi tất yếu của ngành tài chính toàn cầu và ngành tài chính Việt Nam nói riêng, đem lại những lợi ích rất lớn phát triển bền vững quốc gia gắn liền với những lợi ích môi trường.

HÀNH ĐỘNG CỦA VIỆT NAM

Lâm Đồng là một trong số tỉnh có nhiều doanh nghiệp hướng đến tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường. Bởi các doanh nghiệp cũng đã nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề chống biến đổi khí hậu. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật và các công nghệ mới vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, chi phí để thực hiện các công việc này hoàn toàn là nguồn vốn của doanh nghiệp, không phải từ các ngân hàng hay tổ chức có nguồn vốn đầu tư cho các dự án xanh. 

Ông NGUYỄN DUY ĐA - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Viên Sơn: “Thực sự các ngân hàng hoặc các kênh thông tin để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để đầu tư cho tăng trưởng xanh thì chúng tôi cũng đang tìm kiếm, chưa được tiếp cận nguồn vốn này.”

Bà PHẠM MINH HOA - CEO Làng Nấm Đà Lạt: “Nếu có cơ hội có thể tiếp cận được nguồn quỹ hỗ trợ hay có nguồn vốn của ngân hàng để đẩy mạnh tăng trưởng nông nghiệp xanh thì tôi rất là vui.”

Ngay từ những năm 2016, UBND tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng kế hoạch tăng trưởng xanh, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển theo hướng bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, các tiêu chí đánh giá cũng như sự hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn xanh còn gặp nhiều khó khăn.

Chị PHẠM THỊ HOÀ - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng: “Các tiêu chí đánh giá doanh nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh chưa có nên hiện nay chúng tôi chưa có số liệu chính xác bao nhiêu doanh nghiệp phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường. Nhưng theo quan sát của tôi, tại Lâm Đồng, đang có các doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái chế như gió, điện, mặt trời để đưa vào sản xuất và kinh doanh.”

Trên thực tế, xu hướng tín dụng xanh đã phát triển từ lâu trên thế giới với các dự án tiết kiệm năng lượng, tái tạo năng lượng và công nghệ sạch nhằm hướng đến mục tiêu “kép” là tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, xét về cơ cấu, dư nợ tín dụng xanh cho lĩnh vực nông nghiệp chiếm 45% tổng dư nợ trong giai đoạn 2016-2019. Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn này.

Ông TRẦN VĂN LÂM - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: “Để thực hiện được mục tiêu này, đòi hỏi một nguồn lực tài chính không phải là nhỏ. Và cho đến hiện nay, các chuyên gia và các tổ chức quốc tế cũng đang hết sức là quan ngại đến tài chính xanh cho tăng trưởng xanh phát triển bền vững.”

Đại diện Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do hệ thống pháp lý cho tăng trưởng xanh chưa có nhiều, mới chỉ ở giai đoạn bước đầu tiếp cận.

Ông TRẦN VĂN LÂM - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: “Ví dụ như Luật môi trường cũng đã tính tới các yếu tố phát triển xanh bền vững. Hay là trên lĩnh vực kinh tế, chúng ta cũng mới đưa ra các tiêu chí về phát triển xanh vào trong hệ thống luật pháp. Có thể thấy, đó mới chỉ là những yếu tố rất nền tảng, sơ khai thôi, chưa có sự chi tiết cũng như những yếu tố để mà triển khai thật cụ thể, thật rỗng rãi trong toàn bộ nền kinh tế để đưa nó trở thành một xu thế lớn, một trào lưu lớn.”

Không chỉ trong lĩnh vực sản xuất, mà trong đầu tư, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam cũng được đánh giá là đang ở giai đoạn sơ khai. Ví dụ như thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam đang triển khai thí điểm nhưng vẫn chưa có sản phẩm phát hành rộng rãi. Còn thị trường cổ phiếu xanh mới chỉ đưa vào vận hành chỉ số VNSI với quy định yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết phải cung cấp thông tin về môi trường, xã hội và cộng đồng. Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức độ ô nhiễm cao. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, dù không thể thực hiện trong ngày một ngày hai nhưng Việt Nam phải dần đi theo xu hướng tăng trưởng xanh, bảo đảm nguồn vốn đầu tư cho các dự án xanh và phát triển các sản phẩm tài chính xanh như một xu thế tất yếu.

NET ZERO

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), tài chính xanh là tăng cường mức độ dòng chảy tài chính (ngân hàng, tín dụng vi mô, bảo hiểm và đầu tư) từ khu vực nhà nước, tư nhân và phi lợi nhuận sang các ưu tiên phát triển bền vững. Ngoài ra, tài chính xanh còn được định nghĩa là những hỗ trợ về tài chính hướng đến tăng trưởng xanh thông qua việc cắt giảm khí phát thải nhà kính và ô nhiễm môi trường một cách có ý nghĩa. 

Nhìn chung, hệ thống tài chính xanh bao hàm những hoạt động liên quan tới huy động nguồn tài chính xanh để sử dụng trong các hoạt động đầu tư xanh thông qua kênh thị trường tài chính xanh và các trung gian tài chính xanh, mang lại cả lợi nhuận có thể đầu tư và các kết quả tích cực về môi trường. Do đó, vai trò của chính phủ trong phát triển hệ thống tài chính xanh là tạo điều kiện để các hoạt động của hệ thống diễn ra trôi chảy, thông suốt và hiệu quả.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã có chiến lược phát triển thị trường tài chính xanh và một số Nghị định được triển khai.  Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước cũng có một số Thông tư khuyến khích. Trong đó, Quyết định số 2183 là văn bản nền tảng trong phát triển thị trường vốn xanh tại Việt Nam. Bộ Tài chính xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính bao gồm: 

- Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm của thị trường vốn xanh: Trái phiếu xanh (các trái phiếu của doanh nghiệp xanh, phát hành cho các dự án xanh hoặc các sản phẩm xanh); Trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính quyền địa phương phục vụ cho các mục tiêu, chương trình, dự án xanh; Các chỉ số xanh, chỉ số bền vững, chỉ số carbon; Các chứng chỉ, chứng chỉ đầu tư xanh của các quỹ đầu tư phát hành; 

- Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Sở GDCK nghiên cứu xây dựng khung tài chính xanh cho thị trường vốn như: ban hành các quy định, điều kiện khi niêm yết cổ phiếu (niêm yết xanh), báo cáo (trong báo cáo bền vững) và trong giám sát (theo các tiêu chí tài chính xanh).

Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cũng đóng vai trò to lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh. Mục tiêu đối với ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025 là 100% ngân hàng xây dựng được bộ quy tắc về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; ít nhất 10-12 ngân hàng có đơn vị, bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh.

HÀNH ĐỘNG CỦA VIỆT NAM

Thị trường tài chính xanh của Việt Nam mới đang ở trong giai đoạn phát triển rất sơ khai. Đã có một số hoạt động, sản phẩm được giới thiệu ra thị trường nhưng chưa thực sự trở thành một xu hướng đầu tư, phát triển. Và để cung cấp thêm góc nhìn về thị trường tài chính xanh tại Việt Nam cũng như những thách thức trong quá trình phát triển hệ thống tài chính xanh, phóng viên THQHVN đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Chiến lược Mekong – Trung Quốc, Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA).

Phóng viên KIM NGỌC: Cảm ơn TS. Phạm Sỹ Thành đã dành thời gian với THQHVN. Ông nhận định như thế nào về thị trường tài chính xanh của Việt Nam hiện nay?

TS. PHẠM SỸ THÀNH - Giám đốc Chương trình nghiên cứu Chiến lược Mekong – Trung Quốc, Học viện Nông nghiệp Việt Nam: “Thị trường tài chính xanh Việt Nam đã xuất hiện tương đối sớm. Ngay từ năm 2014 với Quyết định số 403 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, chúng ta đã có những gợi mở nêu bật sự cần thiết phải có các hoạt động hỗ trợ cho tăng trưởng xanh của quốc gia. Ngay một năm sau đó, Bộ tài chính có quyết định quan trọng mang số 2183 về hướng dẫn triển khai tài chính xanh. Năm 2018 một lần nữa chúng ta có nghị định chính phủ số 95 để hướng dẫn triển khai tài chính xanh. Mốc 2014 là tương đối sớm khi so với phát triển tài chính xanh của các nước trong khu vực. Thứ hai, cam kết thực hiện tài chính xanh của chúng ta được đặt trong khuôn khổ giàu tham vọng và quyết liệt hơn so với các quốc gia trong khu vực… Việt Nam đã có cam kết rất mạnh mẽ tại COP26 trong việc đạt mức net-zero về phát thải vào năm 2050… Thứ ba, các sản phẩm tài chính xanh tương đối đồng bộ, từ tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại, đến các hướng dẫn của ngân hàng nhà nước, có trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh. Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường tài chính xanh VN sau 6,7 năm vừa qua vẫn ở mức sơ khai. Nhiều sản phẩm chỉ ở mức khởi động hoặc dừng ở mức nâng cao nhận thức…”

Phóng viên KIM NGỌC: Tại sao Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển tài chính xanh trong bối cảnh hiện nay?

TS. PHẠM SỸ THÀNH - Giám đốc Chương trình nghiên cứu Chiến lược Mekong – Trung Quốc, Học viện Nông nghiệp Việt Nam: “Có 3 lý do quan trọng: Đầu tiên chúng ta nhận thấy mục tiêu phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt đặt ra trong rất nhiều nhiệm kỳ. Để phát triển bền vững, không chỉ cần quan tâm đến đầu ra của sản xuất mà cần các cách tiếp cận mới. Các bên cung cấp vốn, huy động tín dụng cho các tổ chức sản xuất cũng cần có cách tiếp cận mới để từ đầu vào đến đầu ra có tính nhất quán… Thứ hai, Việt Nam là nước bị tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu. Cần có hành động để thu hẹp, giảm bớt các tác động này. Tài chính xanh sẽ có vai trò rất lớn trong việc hướng sản xuất, kinh doanh tiêu dùng phát triển đúng theo mục tiêu bền vững hơn…. Thứ ba, tài chính xanh là xu thế không thể đảo ngược… Năm ngoái, kết dư của các hoạt động tài chính liên quan đến hỗ trợ phát triển bền vững trên toàn cầu là khoảng 661 tỷ USD, 70% trong số đó hướng cho tài chính xanh, chứ không chỉ cho xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững truyền thống, cho thấy sự dịch chuyển tư duy rất rõ của các nhà tài trợ đối với các bên cần hỗ trợ….”

Phóng viên KIM NGỌC: Tài chính xanh vẫn còn là một khái niệm khá mới tại Việt Nam, vậy theo ông, khi phát triển hệ thống tài chính xanh, chúng ta phải đối mặt với những thách thức gì?

TS. PHẠM SỸ THÀNH - Giám đốc Chương trình nghiên cứu Chiến lược Mekong – Trung Quốc, Học viện Nông nghiệp Việt Nam: “Thách thức đầu tiên là chúng ta vẫn thiếu một khái niệm thống nhất, tương thích với khái niệm của các định chế tài chính quốc tế. Tài chính xanh không chỉ liên quan đến thị trường vốn trong nước mà còn liên thông mạnh mẽ với thị trường vốn bên ngoài… Nhận thức về tài chính xanh còn hạn chế; Thiếu cơ sở pháp lý cho hoạt động tín dụng xanh như thiếu hướng dẫn chuyên ngành về danh mục các ngành, lĩnh vực xanh với các tiêu chí cụ thể; Khó khăn cho cân đối nguồn vốn với các dự án xanh do các dự xanh cần thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao;  Các TCTD chưa thực sự quan tâm đến cho vay dự án xanh và hạn chế về nguồn lực để đánh giá rủi ro môi trường xã hội. Các sản phẩm tài chính xanh trong ngân hàng tại Việt Nam còn chưa được phong phú. Hiện nay, trái phiếu xanh tại Việt Nam mới chỉ được ghi nhận là một loại trái phiếu Chính phủ, thiếu các hình thức linh hoạt khác. Vì tài chính xanh là lĩnh vực rất mới, nhiều rủi ro, nên cần coi đây như một hình thức đầu tư mạo hiểm và có cơ chế riêng, để các bên cho vay tìm được lợi ích khi đầu tư vào lĩnh vực tuy rủi ro nhưng có nhiều ý nghĩa đối với phát triển bền vững.”

CÂU CHUYỆN QUỐC TẾ

Để phát triển thị trường tài chính xanh, khắc phục những khó khăn, thách thức hiện có, việc tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới là rất quan trọng đối với Việt Nam. Trong đó, có thể nhắc đến những kinh nghiệm của Trung Quốc.

Theo một nghiên cứu của Đại học Thanh Hoa, để đáp ứng mục tiêu trung hòa carbon mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra, Bắc Kinh cần đầu tư khoảng 138 nghìn tỷ nhân dân tệ (21 nghìn tỷ USD) để loại bỏ carbon khỏi hệ thống năng lượng của mình vào năm 2060. Theo các chuyên gia, lĩnh vực “tài chính xanh” của Trung Quốc sẽ là chìa khóa để huy động những khoản đầu tư này.

Nhà nghiên cứu CHRISTOPH NEDOPIL WANG - Viện Tài chính Xanh Quốc tế, Đại học Kinh tế Tài chính Trung ương Trung Quốc: “Tài chính xanh có thể đóng hai vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi của Trung Quốc. Thứ nhất, tài chính xanh huy động và chuyển tiền vào quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, đặc biệt là đối với các công nghệ xanh và cải thiện cường độ phát thải và năng lượng của tất cả các lĩnh vực”.

Chính sách đầu tiên của chính phủ Trung Quốc liên quan đến tài chính xanh ra đời từ năm 1995, khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc ban hành “Thông tư về Chính sách Tín dụng để Bảo vệ Môi trường”. Tuy nhiên, quá trình thực thi còn nhiều bất cập. Phải đến năm 2016, bảy Bộ và Ủy ban trong đó có Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Bộ Tài chính đã cùng ban hành bản “Hướng dẫn về Xây dựng Hệ thống Tài chính Xanh”. 

Văn kiện này bao gồm một loạt các biện pháp đổi mới quan trọng đã phác thảo khuôn khổ cơ bản cho hệ thống tài chính xanh tương lai của Trung Quốc và có thể được coi như là một khung khổ chính sách phát triển tài chính xanh có hệ thống đầu tiên trên thế giới.

Giáo sư LAN HONG - Đại học Nhân dân Trung Quốc: "Vào thời điểm đó, Trung Quốc đề cập đến phát triển xanh và chuyển đổi xanh, nhưng nếu lĩnh vực tài chính không chuyển đổi sang tài chính xanh, và hầu hết các quỹ vẫn được đầu tư vào các ngành truyền thống, thì làm sao cả nước có thể đạt được chuyển đổi xanh? Chúng tôi nhận thấy khoảng cách là rất lớn, vì vậy chúng tôi đã quyết định huy động các tổ chức tài chính cùng vào cuộc”

Trong 5 năm kể từ đó, Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng lĩnh vực tài chính xanh và hiện trở thành thị trường trái phiếu xanh lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Thống kê cho thấy dư nợ cho vay xanh bằng cả nội tệ và ngoại tệ đạt tổng cộng 15,9 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 2,52 nghìn tỷ đô la Mỹ) vào cuối năm 2021, tăng 33% so với năm trước, xếp hạng là mức lớn nhất thế giới.

Khoản cho vay xanh dành cho các lĩnh vực như bảo tồn năng lượng và năng lượng sạch nhằm đóng góp vào việc bảo vệ và cải thiện môi trường. Trong khi đó, trái phiếu xanh trị giá hơn 600 tỷ nhân dân tệ (khoảng 94,97 tỷ đô la Mỹ) mới được phát hành vào năm 2021, tăng 180% so với cùng kỳ năm ngoái, với tổng số dư lên tới 1,1 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Trung Quốc đã tiến bộ nhanh chóng trong việc phát triển hệ thống tài chính và thị trường tài chính xanh, như một phần trong nỗ lực nhằm đạt được các mục tiêu trung hòa carbon vào khoảng năm 2060 và mức phát thải cao nhất vào khoảng năm 2030.

Phóng viên KIM NGỌC: Có thể thấy, Trung Quốc là quốc gia đang rất chú trọng phát triển hệ thống tài chính xanh. Là một chuyên gia nghiên chính cứu về nền kinh tế Trung Quốc, ông có nhận định như thế nào về thị trường tài xanh tại đất nước tỷ dân này?

TS. PHẠM SỸ THÀNH - Giám đốc Chương trình nghiên cứu Chiến lược Mekong – Trung Quốc, Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Trước năm 2012, Trung Quốc là một trong những quốc gia có mức độ ô nhiễm môi trường trầm trọng nhất thế giới. Chống ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu trở thành chương trình hành động mà TQ quyết tâm theo đuổi. TQ nhận ra rằng với thị trường tài chính xanh, mỗi năm cần 320 tỷ USD đầu tư mới đảm bảo được mục tiêu bảo vệ môi trường, chống BĐKH. Để đạt được hiệu quả, hướng luồng vốn vào mục tiêu chống BĐKH, tạo làn xanh cho tài chính, huy động tín dụng, TQ đã có nhiều nỗ lực. Đến nay họ đã đạt được 3 điểm quan trọng: Thứ nhất, khuôn khổ pháp lý được thiết lập rất nhanh và rất mạch lạc. Trung Quốc đã xác định được 36 chuyên ngành với 6 lĩnh vực đặc biệt như năng lượng mới, chống biến đổi khí hậu. Dựa trên phân chia rõ ràng này, hoạt động huy động vốn được triển khai thông suốt hơn. Thứ hai, chính sách xây dựng tài chính xanh rất đồng bộ. TQ đã tập trung vào 5 nhóm quan trọng: xây dựng hệ thống chính sách, thành lập các định chế tài chính xanh chuyên nghiệp, các sản phẩm linh hoạt, công bố và minh bạch hóa thông tin và xử phạt nếu các bên cung cấp tín dụng xanh không thực hiện cam kết, sử dụng tài chính công cho khai thông thị trường tài chính xanh. Thứ ba, tính linh hoạt và cơ động trong chính sách của TQ. Ví dụ về trái phiếu xanh, ngay từ năm 2015, PBoC đã cho phép các tổ chức tài chính phát hành “trái phiếu xanh” trên thị trường liên ngân hàng nhằm tăng nguồn vốn tài trợ cho các dự án “xanh”. Điều kiện, thủ tục đơn giản, có thể tự thỏa thuận với nhau về lãi suất…”

Phóng viên KIM NGỌC: Để có được những thành công bước đầu như vậy, chắc chắn chính phủ Trung Quốc đã xây dựng một lộ trình rất bài bản. Vậy ông có thể chia sẻ về những chính sách mà Trung Quốc đã triển khai để thúc đẩy hệ thống tài chính xanh?

TS. PHẠM SỸ THÀNH - Giám đốc Chương trình nghiên cứu Chiến lược Mekong – Trung Quốc, Học viện Nông nghiệp Việt Nam: "Thời gian đầu, thị trường chỉ có quy mô 1 tỷ USD, nhưng hết năm 2020, TQ đã huy động được 92 tỷ USD mỗi năm, tương đương 20% tổng huy động tài chính xanh toàn cầu, 2/3 huy động từ hệ thống ngân hàng thương mại. TQ đã làm đồng bộ với 5 nhóm chính sách liên quan chặt chẽ: Đầu tiên là Nhóm giải pháp về chiến lược, chính sách tập trung vào việc xây dựng chiến lược tổng thể về các giải pháp huy động nguồn lực tài chính, thành lập đơn vị chuyên trách về tài chính xanh, bao gồm các ngân hàng, quỹ xanh. Thứ hai là chiến lược về Xây dựng phân loại xanh trong đó có các tiêu chí xác định các dự án xanh được ưu tiên, bao gồm cả các dự án giảm thiểu và thích ứng môi trường. Thứ ba là nhóm chính sách về sản phẩm, thiết kế sản phẩm một cách bài bản.
Thứ tư là cơ sở hạ tầng cho hệ thống tài chính xanh… Thứ năm là nhóm chính sách về kết nối giữa các hành lang, thực thể trong nước và ngoài nước."

Phóng viên KIM NGỌC: Từ kinh nghiệm của Trung Quốc, theo ông, Việt Nam có thể tham khảo được gì để phát triển hệ thống tài chính xanh trong thời gian tới?

TS. PHẠM SỸ THÀNH - Giám đốc Chương trình nghiên cứu Chiến lược Mekong – Trung Quốc, Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Kinh nghiệm đầu tiên, thiết yếu nhất đối với các sản phẩm mới, thị trường mới đó là cần có hệ thống khuôn khổ pháp lý hoàn thiện và đồng bộ… liên thông với các tiêu chuẩn quốc tế. Thứ hai, thiết kế sản phẩm nên tăng tính tự chủ và tăng mức độ sáng tạo cho các bên huy động vốn cũng như bên cho vay. Nếu coi đây là sản phẩm truyền thống thì sẽ hạn chế dư địa cho phát triển. Ví dụ, trái phiếu xanh chúng ta mới chỉ có trái phiếu chỉnh phủ hoặc do chính quyền địa phương phát hành. Thứ ba, không chỉ thiết kế chính sách cho bên cung mà còn cần phải có chính sách về tài chính xanh đối với bên cầu. Doanh nghiệp cần hiểu rằng tiếp cận tài chính xanh không chỉ là một lựa chọn có hoặc không nữa, mà là sự chuyển dịch. Đối với các lĩnh vực ô nhiễm, có khả năng sử dụng tài chính xanh thì có thể yêu cầu một tỷ lệ nhất định tài chính xanh trong tổng mức huy động tài chính của doanh nghiệp đó… Một kinh nghiệm rất hay đó là gắn kết đối thoại giữa các bên cho vay quốc tế, trong nước với các bên đi vay lớn của trong nước, để tìm điểm cân bằng, đồng thuận về lợi ích cũng như bất lợi nếu như không đi theo luồng tài chính xanh mà chính phủ đã định hướng.”

Phóng viên KIM NGỌC: Cảm ơn TS. Phạm Sỹ Thành.

HÀNH ĐỘNG CỦA VIỆT NAM

Có thể thấy rằng, điều quan trọng nhất để phát triển, thúc đẩy mạnh hơn nữa thị trường tài chính xanh đó là phải có đầy đủ hành lang pháp lý, cơ chế chính sách khuyến khích sự tham gia của các bên. Ngay sau Hội nghị COP26, các cơ quan của Việt Nam đã nghiêm túc và nhanh chóng triển khai các nội dung đã cam kết thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26 do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng ban. Trong đó, các cơ quan liên quan đang tiếp tục tích cực để sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch… để thực hiện và đạt được các mục tiêu cam kết này.

Theo các chuyên gia, trước những yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới, hệ thống cơ sở pháp lý cần phải được thay đổi phù hợp, khả thi cho toàn bộ các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực chủ chốt có ảnh hưởng lớn đến quá trình tăng trưởng xanh.

Bà LÊ THỊ MAI LIÊN - Trưởng Ban Chính sách tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính: “Cơ chế chính sách về tài chính ngân sách để thúc đẩy tăng trưởng xanh, trong đó có chính sách về thuế như là thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế doanh nghiệp. Trọng tâm là các ưu đãi liên quan đến dự án tăng trưởng xanh. Rồi thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, thuế sử dụng đất. Ngoài ra, các cơ chế chính sách về chi ngân sách cho bảo vệ môi trường cũng được Bộ Tài chính ban hành và nghiên cứu. Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đang rà soát 9 Luật thuế, trong đó cũng rà soát các nội dung liên quan đến tăng trưởng xanh.”

Bà PHẠM THỊ THANH TÙNG - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước: “Chúng tôi đã có chủ trương là tích hợp các nhiệm vụ của ngành ngân hàng để góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị chống biến đổi khí hậu COP26 và xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sử dụng khoa học công nghệ tiên tiến, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả hay là các dự án phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng công nghệ thiết bị thân thiện với môi trường. Và. ngành ngân hàng sẽ tích cực tham gia tài trợ cho các dự án chương trình phòng chống biến đổi khí hậu.”

Tuy nhiên, chỉ hoàn thiện thể chế sẽ không đủ để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, mà còn phải có những chính sách ưu đãi về tài chính cho các doanh nghiệp tham gia, nâng cao vai trò của đầu tư tư nhân đối với tăng trưởng xanh.

Ông JAESEUNG JASON LEE - Trưởng đại diện Quốc gia tại Việt Nam, Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI): “Thách thức tăng trưởng xanh đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam là làm sao có được những điều kiện và nguồn lực cần thiết để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh mà Chính phủ đã đề ra. Để đạt được điều này, Việt Nam sẽ cần đến sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế và cả khu vực tư nhân nữa. Khu vực này sẽ có vai trò quan trọng trong việc mang đến những thay đổi thiết thực. Đây cũng là hai yếu tố quan trọng Việt Nam cần tăng cường thúc đẩy để đạt được các mục tiêu tăng trưởng xanh.”

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam cho biết, các nhà đầu tư Châu Âu vẫn nhìn nhận Việt Nam là điểm sáng trong khu vực với nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển. Và trong thời gian tới sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ thương mại, trao đổi kinh nghiệm và giải pháp công nghệ nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến kinh tế xanh.

Ông NGUYỄN HẢI MINH - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham): “Chúng tôi sẽ phối hợp với tất cả đại sứ quán các nước Châu Âu tại Việt Nam, phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam để tổ chức một chuỗi sự kiện và triển lãm. Mục đích là để quảng bá, thu hút đầu tư, giới thiệu các công nghệ xanh của Châu Âu vào Việt Nam. Bao gồm rất là nhiều lĩnh vực, ví dụ như năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, về nông nghiệp, nhà máy, thậm chí là toà nhà xanh. Đây là những lĩnh vực bao trùm. Và đây là thế mạnh của các doanh nghiệp Châu Âu. Họ có công nghệ, tiềm lực tài chính có thể hỗ trợ Việt Nam trong hiện thực hoá các cam kết của mình.”

Giới phân tích vẫn đánh giá cao sự nỗ lực tích cực của Việt Nam trong việc thay đổi, thích ứng các điều kiện để đạt được các mục tiêu như đã cam kết. Trong đó, cần thống nhất quan điểm xây dựng một hành lang pháp lý, cơ chế chính sách vừa bắt buộc, vừa khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho tăng trưởng xanh, thực thi trách nhiệm xã hội đối với môi trường, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

THỊ TRƯỜNG CHỨNG CHỈ CARBON

Bên cạnh việc thực hiện những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thì Việt Nam đã lấy việc triển khai thị trường tín chỉ Carbon để làm đòn bẩy giảm phát thải. Vậy Thị trường tín chỉ carbon là gì? Lộ trình xây dựng thị trường này của Việt nam cụ thể ra sao, mời quý vị và các bạn cùng theo dõi phóng sự sau!

Định giá carbon là một cách tiếp cận nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính (KNK) hiệu quả thông qua việc sử dụng các cơ chế thị trường để chuyển chi phí phát thải cho các nguồn phát thải theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Theo đó các cơ sở phát thải phải chịu trách nhiệm trả chi phí do đã phát thải KNK vào khí quyển.

Ông TĂNG THẾ CƯỜNG - Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Đến nay đã có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ đã áp dụng định giá các-bon với sự tham gia của hàng chục ngàn tập đoàn doanh nghiệp lớn, nguồn thu riêng năm 2020 lên khoảng 50 tỷ USD và đặc biệt, đã quản lý được khoảng 13 tỷ tấn CO2, tương đương khoảng 23% tổng phát thải toàn cầu. Song, mục tiêu lớn nhất của định giá các-bon và thiết lập thị trường các-bon nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững khác.”

Ngoài các quốc gia phát triển như Cộng đồng châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản, Canada… áp dụng công cụ định giá carbon thành công, nhiều quốc gia đang phát triển cũng đã thử nghiệm công cụ định giá carbon và tiến tới áp dụng rộng rãi như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Pakistan, Columbia, Chile, Argentina… Đây là hướng đi đầy tiềm năng bởi chỉ tính riêng năm 2019, nguồn thu từ định giá carbon toàn cầu đã là 45 tỉ USD. Việt nam cũng đang từng bước cụ thể hóa quy định liên quan tới vấn đề này trong Luật. 

Ông TĂNG THẾ CƯỜNG - Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường: Luật BVMT năm 2020 đã quy định về phát triển thị trường các-bon trong nước (Điều 139). Để quy định chi tiết thi hành Luật, ngày 07/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn.”

Nghị định quy định lộ trình thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đến năm 2030. Theo đó, các cơ sở phát thải khí nhà kính lớn phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo hạn ngạch được phân bổ phù hợp với mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; được phép trao đổi, mua bán hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon trong nước. Về lộ trình phát triển thị trường tín chỉ carbon trong nước Ông Tăng Thế Cường cho biết:

Ông TĂNG THẾ CƯỜNG - Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Lộ trình phát triển thị trường các-bon trong nước chia ra 02 giai đoạn: Giai đoạn từ nay đến năm 2027: (1) Tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; (2) Xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon; (3) Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; (4) Thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon kể từ năm 2025, dự kiến cho một số lĩnh vực có các doanh nghiệp gây phát thải lớn như lĩnh vực thép, xi măng, nhiệt điện; (5) Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường các-bon. Giai đoạn từ năm 2028: Tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon chính thức trong năm 2028; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới.”

Thị trường các bon thế giới đang tồn tại dưới hai hình thức, gồm thị trường các bon bắt buộc và thị trường các bon tự nguyện. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều lợi thế cho phát triển thị trường các-bon tự nguyện.

TƯƠNG LAI CỦA NĂNG LƯỢNG

Phát triển năng lương, đảm bảo an ninh năng lượng là chiến lược và nội dung cốt lõi, cơ bản của Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, năng lượng tái tạo đã đóng góp mỗi tháng trên 3 tỷ kWh, chiếm khoảng 10% công suất, 6% sản lượng thương phẩm cả nước và cũng là mục tiêu của nhiều tỉnh, thành phố hướng đến trong đầu tư những nguồn năng lượng tái tạo này.  Câu chuyện tại tỉnh Sơn La (địa phương đang quyết tâm trở thành trung tâm năng lượng tái tạo khu vực phía Bắc vào năm 2025) ngay sau đây sẽ cho chúng ta thấy rõ được những lợi ích thiết thực, chủ trương và sự đầu tư đúng đắn vào năng lượng tái tạo.

Hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức và các hộ gia đình tại tỉnh Sơn La đã lắp hệ thống điện chạy pin năng lượng mặt trời để tự phục vụ cho nhu cầu sử dụng và sản xuất kinh doanh, không chỉ giảm áp lực về hệ thống điện quốc gia mà còn mang lại lợi ích kinh tế cho chính các hộ sử dụng.

Anh ĐINH VĂN KHƯƠNG - Xã Chiềng Mung huyện Mai Sơn, Sơn La: “Chúng tôi sản xuất quy mô trang trại 10ha, nên điện sử dụng điện tưới tiêu hàng tháng rất lớn. Tìm hiểu trên mạng thấy người ta lắp rất nhiều điện mặt trời, gia đình tìm hiểu và quyết định đầu tư năng lượng mặt trời. Qua 1 thời gian sử dụng thấy rất hiệu quả rõ rệt. Vì gia đình sử dụng 6-7 triệu 1 tháng, sau khi lắp pin mặt trời thì giảm 30 đến 40%. Hiện gia đình vẫn đang sử dụng rất tốt.”

Để làm được điều này, công ty điện lực tỉnh Sơn La đã có nhiều hành động cụ thể, hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp phát triển điện mặt trời mái nhà mang lại hiệu quả cao, phù hợp với khả năng hấp thụ, giải tỏa của lưới điện.

Ông CẦM VĂN GIÁO - Giám đốc Công ty Điện lực Sơn La: “Công ty điện lực Sơn la luôn đồng hành với khách hàng, bằng những việc làm cụ thể như đơn giản hoá các thủ tục, kiểm tra điều kiện đấu nối lưới, lắp đặt công tơ 2 chiều, ký kết hợp đồng mua bán điện ngay sau khi có yêu cầu. Ngoài ra, còn vận động cán bộ công nhân viên thực hiện các lắp điện mặt trời áp mái, giúp khách hàng thấy rõ những lợi ích thiết thực của loại hình này.”

Tỉnh Sơn La được đánh giá là tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển các dự án điện năng lượng mặt trời với cường độ bức xạ từ 4,3 – 5,2 kWh/m2/ngày, số giờ năng từ 1500-1700 giờ/năm. Theo đánh giá sơ bộ tỉnh Sơn La có thể đầu tư xây dựng các nhà máy điện mặt trời với tổng công suất khoảng 400 - 500 MW. Không những thế, với thuận lợi về địa hình, mạng lưới sông suối và nguồn nước, tỉnh Sơn La còn có nhiều điều kiện tốt để phát triển mô hình thủy điện.

Bà PHẠM THỊ DOAN - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sơn La: “Định hướng thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tập trung đẩy mạn phát triển năng lượng tái tạo 1 cách bền vững như điện gió, điện mặt trời, điện tích năng và thuỷ điện. Và như vậy sản lượng điện của Sơn la vẫn lớn nhất so với các tình trong khu vực phía Bắc.”

Tỉnh Sơn La cũng được đánh giá là khu vực có tiềm năng lớn để phát triển các nhà máy điện gió. Hiện nay UBND tỉnh đã đồng ý cho một nhà đầu tư khảo sát bổ sung quy hoạch 01 nhà máy điện gió và có một số các nhà đầu tư khác đang đề xuất cho khảo sát bổ sung quy hoạch. Theo đánh giá sơ bộ từ các viện nghiên cứu của Bộ Công Thương và các nhà đầu tư tỉnh Sơn La có tiềm năng phát triển khoảng 800 – 1.000 MW điện gió.

Ông PHAN MẠNH HÀ - Tổng giám đốc Công ty HATACO Hà Nội: “Dự kiến khoảng 1500 đến 2000MW, trên thực tế do cơ chế quản lý đặc thù đất đai và địa hình thì con số khả thi chúng tôi đánh giá  khoảng 7 đến 800 Mw. Chúng tôi thấy những chỉ tiêu thông số kỹ thuật ở đây hoàn toàn có thể đặt 1 nhà máy  điện gió quy mô công suất lớn, chúng tôi đang phối hợp với Bộ Công thương để hoàn thành nốt những thủ tục pháp lý cần thiết để triển khai dự kiến đến 2023 sẽ hoà lưới điện quốc gia”

Ông NGUYỄN QUỐC KHÁNH - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La: “Tỉnh Sơn la chúng tôi rất quan tâm làm sao để thu hút được các nhà đầu tư huy động nguồn lực đầu tư vào năng lượng tái tạo, đây là nội dung mà Chính phủ và các bộ ngành rất quan tâm để đảm báo an ninh năng lượng trong thời gian tới.”

Với hệ thống điện đang chịu nhiều áp lực về bảo đảm cung ứng điện, việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo nối lưới được xem là một trong những giải pháp quan trọng, sẽ góp phần khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên để phát điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Sơn La và của đất nước.

ĐIỀU ĐÓ PHỤ THUỘC HÀNH ĐỘNG CỦA BẠN

Người dân cũng cần nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc bảo vệ môi trường sống  đặc biệt là những nơi công cộng như công viên, bệnh viện, trường học, nơi công sở, khu du lịch, lễ hội,... Vừa qua, tại thành phố Hội An,  Đại sứ quán Anh đã  tổ chức sự kiện "Nghệ thuật vì môi trường" với nhiều hoạt động hướng tới các bạn trẻ, các bạn thiếu nhi. Vì đây chính là thế hệ tiếp nối, phát huy được những giá trị tốt đẹp trong công cuộc bảo vệ môi trường và giữ gìn các di sản.  Tất cả vì một tương lai tươi đẹp, trong sạch và lành mạnh cho tất cả mọi người. 

Đang cùng bố mẹ đi thăm phố cổ Hội An dịp cuối tuần, Bảo Trân đã bị thu hút bởi hoạt động vẽ tranh trên những chiếc cốc giấy xinh xắn. Thông qua hoạt động này, em hiểu hơn về lý do chúng ta phải bảo vệ môi trường sống của mình.

Em VĂN DƯ BẢO TRÂN - Huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam: “Con muốn chia sẻ với mọi người là hãy nên bảo vệ môi trường sạch sẽ, trong lành ạ, để cho mẹ thiên nhiên vui.”

Tại sao trái đất lại nóng lên? Rác thải nhựa gây ô nhiễm như thế nào? Làm sao để tái chế rác thải? Những câu hỏi này đã được lần lượt được giải đáp thông qua các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức như vẽ tranh, đọc sách, chiếu phim, múa ứng tác trên nền nhạc điện tử với thông điệp bảo vệ môi trường… trong khuôn khổ sự kiện “Nghệ thuật vì môi trường” do Đại sứ quán Anh phối hợp cùng các đơn vị thực hiện tại Hội An.

Em VŨ HOÀNG QUỐC NGUYÊN - Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam: “Em thấy việc bảo vệ môi trường là cấp thiết nhưng hiện nay nhiều bạn trẻ không có ý thức lắm trong việc bảo vệ môi trường, họ xả rác rất nhiều. Em nghĩ đầu tiên phải nâng cao ý thức trong nhà trường, đồng thời tạo điều kiện học sinh tham gia những sự kiện như thế này để rèn luyện nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của mình.”

Em CHÂU HUỆ HÂN - Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam: “Em rút ra được 1 bài học là nếu như mình xả rác thì sẽ ô nhiễm môi trường, còn nếu mình tái chế hoặc bỏ vào sọt rác thì sẽ giúp môi trường xanh, sạch đẹp hơn.”

Đây không phải là lần đầu tiên Hội An có các hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường với chủ thể chính là thế hệ trẻ. Bởi đây là thành phố chịu nhiều tác động nặng nề do biến đổi khí hậu. Do đó, Môi trường được xác định là 1 trong 3 trụ cột phát triển chính của Hội An trong thời gian tới, cùng với kinh tế và văn hoá.

Ông NGUYỄN MINH LÝ - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An: “Công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó thế hệ trẻ là thế hệ mà chúng ta phải có sự quan tâm. Nếu như tác động vào thế hệ trẻ thì các em nhận thức được vấn đề này, và chính các em là chủ nhân tương lai về sau trong vấn đề gìn giữ và bảo vệ môi trường, bảo vệ Tương lai của đô thị hàng trăm năm tuổi này phụ thuộc rất lớn vào ý thức của thế hệ trẻ, những chủ nhân mới của di sản văn hoá thế giới. hành tinh của chúng ta.”

Ông SAM WOOD - Phó Tổng Lãnh sự Anh tại Thành phố Hồ Chí Minh: “Chúng tôi cũng hy vọng rằng thông qua sự kiện này chúng tôi có thể thúc đẩy lối sống bền vững của các bạn trẻ để các bạn trẻ, nhấn mạnh những tác động tiêu cực nặng nề của biến đổi khí hậu đối với môi trường cũng như là khuyến khích các bạn hãy tiếp tục tham gia vào các cuộc thảo luận bảo vệ môi trường như các bạn đang làm.”

Nuôi dưỡng ý thức xanh cho thế hệ tương lai với một lối sống tích cực, sống xanh và bền vững là điều cần thiết. Nhưng xin hãy hiểu rằng, đừng bắt thế hệ tương lai gánh chịu hậu quả bởi những hành động của chúng ta hôm nay. Muốn con cái chúng ta thay đổi, trước tiên, chúng ta phải thay đổi, vì một hành tinh xanh với những thế hệ xanh.

Có thể thấy rằng, việc tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong công cuộc bảo vệ môi trường ngay từ sớm là chìa khoá để hướng tới một nền kinh tế xanh.. Qua đó, mới góp phần vào mục tiêu cao cả hơn đó là đảm bảo sự phát triển bền vững của quốc gia.  Nếu như ngày càng nhiều người nâng cao nhận thức, chuyển sang sử dụng các sản phẩn xanh để bảo vệ môi trường thì sẽ có càng nhiều doanh nghiệp, tổ chức tham gia vào các lĩnh vực xanh, từ đó thúc đẩy phát triển hệ thống tài chính xanh tại Việt Nam hiện nay. 

Tuấn Anh