COP26 |Số 21|: Xây dựng dự thảo quy hoạch điện VIII trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu

Việt Nam là quốc gia sử dụng nhiệt điện khá cao, với tỷ trọng chiếm trên 32%. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu Net zero vào năm 2050, Bộ Công Thương đề xuất giảm trên 14.000MW nhiệt điện không đưa vào Quy hoạch điện VIII, bỏ nhiều dự án điện than, tăng điện gió, điện mặt trời. Trước ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, việc phân bổ nguồn điện trong dự thảo quy hoạch điện VIII sẽ thế nào?

ĐỨC QUAY LẠI VỚI THAN ĐÁ ĐỐI PHÓ KHỦNG HOẢNG NĂNG LƯỢNG

Đầu tháng 7 vừa qua, nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nguồn cung khí đốt hiện nay, chính quyền Đức đã khởi động lại nhà máy điện than Mehrum trong nỗ lực tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế. Đây là nhà máy điện than đầu tiên hoạt động trở lại tại nước này, với công suất khoảng 270 megawatt và đã hoạt động lại từ ngày 31/7.

Ông ROBERT HABECK, Bộ trưởng Kinh tế Đức: “Điều này thật cay đắng nhưng trong tình huống này, điều cần thiết là phải giảm việc sử dụng khí đốt."

Kế hoạch này đi ngược lại với chính sách chống biến đổi khí hậu của Đức, khi chính phủ nước này từng công bố kế hoạch hạn chế và tiến đến chấm dứt nhiệt điện than vào năm 2030, vì nguồn điện này phát thải carbon nhiều hơn so với sử dụng khí đốt. Tuy nhiên, do Nga siết chặt nguồn cung khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, vốn đóng vai trò quan trọng chiến lược cho an ninh năng lượng của Đức xuống mức 20%, nên Chính phủ Đức phải cân nhắc việc ngừng loại bỏ hạt nhân và chuẩn bị về mặt pháp lý để đưa các nhà máy điện than trở lại thị trường.

Đến ngày 21/7 vừa qua, sau quyết định tái khởi động các nhà máy điện than, Đức đã công bố gói an ninh năng lượng mới, trong đó có các quy định khắt khe hơn đối với việc tích trữ khí và kích hoạt dự trữ than non. Cụ thể, các cơ sở tích trữ khí đốt phải được lấp đầy 75% vào ngày 1/9, tăng lên 85% vào ngày 1/10 và lên 95% vào ngày 1/11. 

Ngoài nguồn dự trữ than cứng cho các nhà máy điện than đã được kích hoạt, việc dự trữ than non cũng sẽ được kích hoạch trở lại kể từ ngày 1/10 tới. Khí đốt bổ sung sẽ tiếp tục được tích trữ khi nguồn điện được tạo ra từ than non. Việc vận chuyển than và dầu sẽ được ưu tiên trong ngành vận tải đường sắt, và sẽ được quy định cụ thể. 

Ông ROBERT HABECK, Bộ trưởng Kinh tế Đức: “Ngoài than đen, chúng tôi cũng sẽ kích hoạt việc dự trữ than non kể từ ngày 1/10, nhằm chuyển đổi than non thành điện năng, giúp tiết kiệm khí đốt. Chúng tôi cũng sẽ xây dựng một sắc lệnh tiết kiệm khí đốt bao gồm các quy tắc ràng buộc để loại bỏ khí đốt khỏi thị trường khi cần thiết.”

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bày tỏ sự tiếc nuối trước quyết định mở cửa hoạt động trở lại của 16 nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và gia hạn giấy phép hoạt động thêm 11 nhà máy khác. Tuy nhiên, ông khẳng định quyết định này sẽ chỉ diễn ra “trong thời gian rất ngắn” và chính phủ Đức vẫn cam kết làm "mọi thứ" để chống lại biến đổi khí hậu.

Các nhà bảo vệ môi trường cũng cho rằng chính phủ có thể làm nhiều hơn thay vì kích hoạt lại hoạt động của các nhà máy điện than, bao gồm áp đặt giới hạn tốc độ và hạn chế các chuyến bay nội địa để tiết kiệm nhiên liệu.

“CUỘC CÁCH MẠNG” GIẢM ĐIỆN THAN VÀ THÁCH THỨC TRONG ĐẢM BẢO AN NINH NĂNG LƯỢNG

Tại Việt Nam, trên tinh thần cam kết của chúng ta tại COP26, mới đây, Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch điện VIII theo hướng giảm mạnh nhiệt điện than, đến hơn 14 GW với 11 dự án nhà máy. Đây được xem là “cuộc cách mạng” trong lĩnh vực điện và môi trường của Việt Nam. Tuy nhiên, điều này có đặt ra thách thức gì trong vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia? 

Theo đề xuất mới nhất của Bộ Công Thương, phương án phát triển nguồn điện tại dự thảo Quy hoạch điện VIII sau rà soát, đến năm 2030, công suất quy hoạch các nhà máy nhiệt điện than khoảng trên 37.400 MW, chiếm khoảng 25,7-31%, và đến năm 2045 chiếm khoảng 9,7-13,2%. Với tổng công suất 14.120 MW nhiệt điện than không được đưa vào dự thảo quy hoạch điện VIII, nhiều chuyên gia đánh giá, đây là tiến bộ lớn của Việt Nam và cũng được ví như một cuộc cách mạng lớn.

TS. NGÔ ĐỨC LÂM, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng: “Khi mà giảm điện than như đề xuất, thì nó cũng là cái thay đổi rất lớn, là cuộc Cách mạng của Chính phủ chúng ta.”

PGS.TS BÙI THỊ AN, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng: “Trong thời gian dài về trước thì điện than đóng vai trò rất quan trọng tuy nhiên đến giai đoạn này nhiệt điện than gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nên nó ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Thế mà chúng ta cứ để nhiệt điện than với tỷ lệ lớn như vừa qua thì nó sẽ có thể có những ảnh hưởng rất quan trọng...Chúng ta phải xem xét giảm dần nó đi để thay thế bằng cái nguồn điện khác.”

Tuy nhiên, việc giảm điện than cũng đặt ra nhiều thách thức về lâu dài, bởi nhiều năm qua, nhiệt điện than vốn vẫn được xem là “xương sống” của toàn hệ thống điện. Trong bối cảnh thủy điện đã tới hạn, điện khí gặp hạn chế do giá khí nhập khẩu cao và phụ thuộc thị trường thế giới, điện mặt trời công suất hạn chế, việc giảm dần điện than và phát triển các nguồn điện khác thay thế phù hợp trong thời gian tới cũng là bài toán lớn hiện nay.

Ông HOÀNG TIẾN DŨNG, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương: “Liên quan đến giảm các nhà máy điện than và công suất điện than thì nó cũng ảnh hưởng đến vấn đề an ninh năng lượng...Thứ nhất tỷ trọng điện than ở Việt Nam những năm qua rất cao. Thứ 2,  giảm điện than thì chúng ta phải phát triển các nguồn điện NLTT khác, tuy nhiên NLTT còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, mùa vụ và có nhiều yếu tố bất định.”

HÀNG LOẠT DỰ ÁN ĐIỆN THAN BỊ LOẠI KHỎI QUY HOẠCH ĐIỆN VIII

Trong tổng công suất hơn 14.000MW nhiệt điện than với 11 nhà máy không được đưa vào Quy hoạch điện VIII, có 8.420MW do các tập đoàn nhà nước được giao làm chủ đầu tư, 4.500MW là các dự án đầu tư theo hình thức BOT và chưa giao nhà đầu tư là 1.200MW. Nhiều dự án như Quảng Trạch 1, Tân Phước 1 và Tân Phước 2 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, dự án Cẩm Phả 3 và Quỳnh Lập 1 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã bị loại khỏi dự thảo. Trước đó, nhiều dự án tại nhiều địa phương cũng đã không được đưa vào quy hoạch. 

Ông NGUYỄN HOÀNG HẢI, Phó Tổng Giám đốc Kỹ thuật sản xuất Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại: “Chúng tôi cũng làm đúng quy trình để đề xuất đưa dự án Phả Lại 3 vào trình tại Quy hoạch điện VIII. Ngay từ đầu khi đưa Phả Lại 3 vào thay thế cho Phả Lại 1 thì chúng tôi cũng xác định dây chuyền mới sẽ có tính hiệu quả đầu tư đó là Phả Lại 3 sẽ có ưu việt hơn về công nghệ sản xuất, ưu việt hơn về chi phí, ưu việt hơn về các hệ thống bảo vệ môi trường đáp ứng các tiêu chuẩn hiện tại và thậm chí trong tương lai. Nhưng khi mà Phả Lại 3 không còn nằm trong quy hoạch điện VIII nữa thì sẽ đặt ra những thách thức lớn với công ty.”

Cũng theo đề xuất, sau năm 2030, Việt Nam sẽ không phát triển thêm các nhà máy nhiệt điện mới. Điều này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc giảm dần tỷ trọng nhiệt điện và thực hiện quá trình chuyển dịch năng lượng. 

Ông PHẠM VĂN TẤN, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Khi chuyển sang năng lượng sạch hơn thì việc giảm phát thải khí nhà kính sẽ đạt được những mục tiêu cao hơn. Khi chuyển dịch các thay đổi cần có thời gian nên cần xem xét, lựa chọn sao cho bước đi chuyển dịch vừa bền vững, vừa ít tác động đến kinh tế, ít tác động đến an ninh năng lượng”

Ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu lan rộng và nguy cơ thiếu điện, khi điều chỉnh cơ cấu nguồn điện theo xu hướng giảm mạnh điện than, nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục có những chiến lược phù hợp, tính toán nguồn điện thay thế hợp lý, để đảm bảo an ninh năng lượng cũng như vấn đề giá điện.

XÂY DỰNG QUY HOẠCH ĐIỆN VIII VÀ KHỦNG HOẢNG NĂNG LƯỢNG TOÀN CẦU

Về vấn đề này, mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung cuộc trò chuyện của Truyền hình Quốc hội Việt Nam với ông NGUYỄN ANH DŨNG, Cán bộ Cấp cao Dự án hỗ trợ năng lượng GIZ tại Việt Nam.

GIẢM ĐIỆN THAN, TĂNG NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO

An ninh năng lượng là vấn đề quan trọng hàng đầu của mỗi quốc gia, bỏ nhiệt điện than thì câu hỏi đặt ra là chúng ta phải thay thế bằng nguồn điện nào để đảm bảo an ninh năng lượng. Hiện trong dự thảo quy hoạch điện VIII đang đề xuất thay thế công suất điện than này bằng nguồn điện sạch hơn là điện khí hóa lỏng LNG. Cùng với đó tăng thêm công suất điện gió, điện mặt trời. 

Sau rà soát lại các dự án điện than, Bộ Công Thương đề xuất Quy hoạch điện VIII loại bỏ hơn 14.000 MW nhiệt điện than và thay thế công suất điện than bằng 12.000 -15.000 MW điện năng lượng tái tạo và khoảng 14.000 MW điện khí LNG - nguồn điện nền được coi là sạch hơn, phát thải khí cacbon thấp hơn. Việc này được Bộ Công Thương nhấn mạnh là để đạt mục tiêu cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về trung hoà carbon vào năm 2050.

Tuy sạch hơn than nhưng theo ý kiến một số chuyên gia điện khí vẫn gây phát thải khí nhà kính và phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Vì vậy, giá thành sẽ tăng theo xu hướng nguồn cung ngày càng hạn chế…  Theo tính toán, nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tăng lên, đạt khoảng 14 -18 tỉ m3 vào năm 2030 và khoảng 13 - 16 tỉ m3 vào năm 2045. Nhưng trong bối cảnh hiện tại năng lượng gió và mặt trời chưa không ổn định và phương tiện lưu trữ chưa có, truyền tải chưa ổn định, điện khí có lẽ là giải pháp khả dĩ nhất hiện nay để thay thế điện than.

TS. NGÔ ĐỨC LÂM, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng: “LNG Việt Nam thật ra là chưa có, có là có khí thiên nhiên thôi. Còn khí hoá lỏng là từ khí đó dùng công nghệ hoá lỏng đi để công tác vận chuyển nó dễ dàng để sử dụng tiện lợi. Theo tổng sơ đồ khai thác khí Việt Nam trong tương lai thì tôi thấy rằng đến năm 2028 thì Việt Nam đã có được lượng khí thiên nhiên để đủ dùng. Còn LNG bây giờ đã xuất hiện, trước nó giá đắt so với các loại khác nên tổng sơ đồ 7 không đưa vào. Nhưng giờ lại đưa vào làm? Vì công nghệ ở Mỹ phát triển và đưa vào khai thác được khí từ các mỏ đá, biến thành LNG. Thứ 2, Châu Âu trong giai đoạn vừa qua, khủng hoảng Covid, giờ có khủng hoảng chiến tranh nên cái khí hoá lỏng của Nga, Quata thừa nên giá của LNG trong 3,4 năm gần đây giảm đi nhiều....đưa vào sử dụng LNG trong Quy hoạch điện VIII tôi rất hoan nghênh.”

Ông PHẠM VĂN TẤN, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Than thì nó phát thải khí nhà kính nhiều hơn LNG, LNG thì nó sạch hơn. Việc đứng vào quan điểm, giảm phát thải KNK của Quốc gia, thì khi chuyển từ than sang LNG thì rõ ràng giảm phát thải khí nhà kính và chúng tôi ủng hộ nỗ lực đấy. Nhưng làm thế nào để có LNG với giá thành ổn định, giá thành hợp lý để làm sao sử dụng cho hệ thống điện, thì chúng ta phải cân đối rất nhiều mặt.”

Cùng với loại bỏ dần điện than, Bộ Công Thương kiến nghị tiếp tục đưa vào quy hoạch hơn 2,4 GW điện mặt trời đến năm 2030. Đây là các dự án, hoặc phần dự án đã được quy hoạch, chấp thuận nhà đầu tư nhưng chưa vận hành... với tổng chi phí đầu tư khoảng 12.700 tỉ đồng.

Với các dự án điện mặt trời đã quy hoạch nhưng chưa được chấp thuận nhà đầu tư, tổng công suất trên 4,1 GW, Bộ Công thương đề nghị giãn sang giai đoạn sau năm 2030 mới phát triển tiếp để đảm bảo tỷ lệ hợp lý của các nguồn điện năng lượng tái tạo trong hệ thống. 

ĐIỆN HẠT NHÂN –MỘT LẦN NỮA LÀM “NÓNG” NGHỊ TRƯỜNG 

Sau hội nghị COP26, các nước tham gia đã công nhận điện hạt nhân là loại hình sản xuất điện sạch, không phát thải khí nhà kính, góp phần quan trọng trong việc giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Với lộ trình giảm phát thải tiến tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, điện hạt nhân là vấn đề cần được nghiên cứu, xem xét trong quá trình phát triển ngành năng lượng nước ta giai đoạn tiếp theo.

Dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận đã tạm dừng theo quyết định tại Nghị quyết 31 năm 2016 của Quốc hội. Nhưng trong kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 vừa qua, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề xuất xem xét lại việc phát triển điện hạt nhân. Vấn đề này một lần nữa nhận được sự quan tâm trên nghị trường Quốc hội. Khởi động hay xóa bỏ quy hoạch điện hạt nhân Ninh Thuận, vẫn còn những ý kiến trái chiều.

Ông TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: “Cá nhân tôi xin phép được đề nghị xóa quy hoạch này, còn trong một số năm tới, 15, 20 năm nữa có làm điện hạt nhân hay không thì sẽ làm lại quy hoạch mới. Còn bây giờ chúng tôi đề nghị giải quyết rốt ráo, triệt để quyền lợi cho bà con ở đó. Chúng ta không nên luyến tiếc nữa. Trong điều kiện của chúng ta hiện nay, năng lực tự chủ của chúng ta về năng lượng hạt nhân là còn rất thấp.”

Ông NGUYỄN HỒNG DIÊN, Bộ trưởng Bộ Công Thương: “Nghị quyết của chúng ta là tạm dừng chứ không phải hủy bỏ. Cho nên về nguyên tắc không có cơ sở để bỏ quy hoạch điện hạt nhân. Mặt khác địa điểm này đã được các đối tác của chúng ta và bản thân ngành cùng các ngành có liên quan nghiên cứu rất kỹ và khẳng định địa điểm Ninh Thuận là địa điểm phù hợp nhất cho phát triển điện hạt nhân."

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, nếu so sánh điện hạt nhân với các loại năng lượng khác (như với nhiệt điện than, điện mặt trời, điện gió…) thì với cùng một công suất, nhà máy điện hạt nhân sẽ làm được ra lượng điện lớn hơn rất nhiều với các nhiệt điện khác. Hệ số sử dụng công suất của điện hạt nhân trung bình hiện nay trên thế giới là vào khoảng 90%. Trong khi nhiệt điện than chỉ khoảng 30%, ở điện mặt trời hay điện gió chỉ vào khoảng 18 -20%. Nhưng việc phát triển điện hạt nhân cần xem xét nhiều yếu tố như chi phí đầu tư, công nghệ, đặc biệt cần lưu ý tính an toàn cao nhất khi nghiên cứu, phát triển loại năng lượng này.

Ông PHẠM VĂN TẤN, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Hiện nay quan điểm phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam cũng như trên thế giới thì luôn luôn có 2 quan điểm trái ngược nhau. Đứng ở quan điểm giảm phát thải khí nhà kính thì điện hạt nhân ít phát thải khí nhà kính hơn so với nguồn năng lượng khác nên việc chúng ta tiếp tục nghiên cứu làm thế nào? Sử dụng điện hạt nhân như thế nào? Đảm bảo công nghệ cũng giá thành phù hợp với Quốc gia chúng ta, thì cái này cần phải nghiên cứu sâu hơn.”

Bà TRẦN HỒNG VIỆT, Phụ trách Năng lượng, khí hậu và tăng trưởng xanh - Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam: “Chúng tôi nhận định điện gió và điện mặt trời trang trại là nguồn điện rẻ nhất nên chúng cần phải được phát triển tối đa để giảm chi phí, hướng tới phát thải ròng bằng 0. Phân tích của chúng tôi cũng cho thấy, trừ khi có lý do gì đó, ví dụ như hạn chế về đất đai,... điện gió trên bờ và điện mặt trời hạn chế đáng kể thì chúng ta mới có thể tính đến các nguồn điện đắt đỏ hơn khác như điện hạt nhân. Vì nếu đầu tư thêm vào điện hạt nhân thì sẽ tăng chi phí của hệ thống điện lên 27 tỉ đô.”

TS. NGÔ ĐỨC LÂM, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng: “Cái thứ nhất phải nói là điện hạt nhân là đắt chứ không rẻ. Trước đây đưa vào chỉ tính vào yếu tố là giá đầu tư, giá quản lý và vận hành, và quá trình sửa chữa khi vận hành. Nhưng nay khi cơ chế thị trường phát triển thì phải đưa giá về toàn bộ yếu tố tạo nên nó đưa vào giá. Thì phải đưa thêm yếu tố là chất thải của nhà máy điện hạt nhân là thanh đã dùng phải đem chôn nó, và chôn nó là cái cực kỳ phức tạp và cực kỳ đắt rẻ...địa điểm chôn nó tồn tại ít nhất 500-1000 năm phải bảo đảm nó. Thứ 2 về vận hành nó phải có đào tạo.”

THẾ GIỚI ỨNG PHÓ VỚI CUỘC KHỦNG HOẢNG NĂNG LƯỢNG

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và giảm nguồn cung năng lượng tại châu Âu để trả đũa các lệnh trừng phạt kinh tế, lục địa già phải đối mặt với mối đe dọa thực sự về an ninh năng lượng. Nhưng tình trạng này không chỉ diễn ra ở châu Âu hay Mỹ, mà đã lan ra toàn cầu. Giá năng lượng trên thế giới - từ xăng, khí đốt đến than đá - đều tăng vọt. Trước thực trạng này, chính quyền nhiều nước trên thế giới đã đưa ra những chính sách mới, hay tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng.

Giữa tháng 8 vừa qua, Đức cũng công bố mức thuế khí đốt mới đối với người tiêu dùng. Cụ thể, mức thuế đối với mặt hàng khí đốt tại Đức đã được ấn định ở mức 2,419 euro/kWh (hơn 57 nghìn đồng/kWh). Với một hộ gia đình trung bình gồm 4 người, chi phí hàng năm sẽ tăng thêm khoảng 480 euro (hơn 11 triệu đồng). Thuế mới dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/10 tới và kéo dài đến tháng 4/2024.

Ông ROBERT HABECK, Bộ trưởng Kinh tế Đức: “Mức thuế này là cách công bằng nhất để dàn trải và gánh các chi phí bổ sung mà người dân đang phải đối mặt. Nếu không đánh thuế khí đốt bổ sung, thị trường năng lượng Đức và cùng với phần lớn thị trường năng lượng Châu Âu sẽ sụp đổ.”

Trong khi đó, chính phủ Pháp cho rằng việc sử dụng và dán nhãn “xanh” cho các nhà máy điện hạt nhân và điện khí sẽ giúp EU đạt được mục tiêu đưa phát thải CO2 về mức zero ròng vào năm 2050. Thậm chí, trong bản kế hoạch “Nước Pháp 2030” với tổng ngân sách 30 tỷ euro được Tổng thống Emmanuel Macron giới thiệu vào tháng 10/2021, 8 tỷ euro sẽ được dành cho quá trình khử carbon và giảm phát thải khí nhà kính của nền kinh tế, bao gồm phát triển điện hạt nhân, hydro xanh, và điện khí hóa trong công nghiệp. 

Tổng thống Pháp EMMANUEL MACRON: “Chúng ta cần phải chuẩn bị cho những công nghệ đột phá và sự chuyển đổi hoàn toàn của năng lượng hạt nhân. Đó là những lò phản ứng hạt nhân mini. Những lò phản ứng nhỏ này sẽ dễ dàng thích nghi hơn và an toàn hơn trong bối cảnh hiện nay, và cũng bởi an toàn là yếu tố quan trọng trong các cuộc tranh luận về năng lượng hạt nhân.”

Còn tại Thuỵ Sỹ, "Pin nước" khổng lồ được xem là bước tiến lớn đối với hệ thống năng lượng tái tạo của nước này. Với số tiền đầu tư 2,2 tỷ franc Thụy Sĩ (2,3 tỷ USD), nhà máy thủy điện Nant de Drance được trang bị 6 tuabin với công suất 900 MW, có khả năng lưu trữ năng lượng tương đương với 400.000 pin xe điện. Những tuabin này hoạt động linh hoạt và có thể đảo chiều, giúp nhà máy có thể chuyển từ dự trữ năng lượng sang cung cấp điện năng. Thuỵ Sĩ mất 14 năm để hoàn thành dự án đồ sộ này. Nant de Drance được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định mạng lưới điện của châu Âu, trong bối cảnh "Lục địa già" chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

VIỆT NAM CẦN HỌC HỌC HỎI GÌ ĐỂ XÂY DỰNG CƠ CẤU ĐIỆN HỢP LÝ ĐẢM BẢO AN NINH NĂNG LƯỢNG?

Mời quý vị tiếp tục theo dõi cuộc trao đổi với ông NGUYỄN ANH DŨNG, Cán bộ Cấp cao Dự án hỗ trợ năng lượng GIZ tại Việt Nam.

Tùy vào trình độ phát triển, một số quốc gia vẫn còn phải dựa phần lớn vào nguồn than đá để sản xuất điện, nhưng năng lượng tái tạo mới là yếu tố được xác định là “thống trị toàn cầu” trong tương lai. Việc chuyển dịch năng lượng là điều tất yếu trong bối cảnh biến đổi khi hậu gia tăng. Để thực hiện chuyển dịch năng lượng thành công, hiện thực hoá cam kết Net Zero, Việt Nam cần phải xây dựng một lộ trình chuyển dịch năng lượng phù hợp, hướng, sớm hoàn thiện các cơ chế chính sách cho phát triển năng lượng tái tạo. Đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, chuyển dịch hạ tầng năng lượng hiện tại sang năng lượng sạch.

NÂNG CAO NHẬN THỨC CHO DOANH NGHIỆP VỀ THỊ TRƯỜNG TÍN CHỈ CARBON

Thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26 và để vận hành thị trường carbon trong nước, giai đoạn từ nay đến năm 2027, Việt Nam sẽ xây dựng các quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng. Để có thể vận hành hiệu quả thị trường này, nhiều ý kiến cho rằng cần sớm nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp.

Tín chỉ carbon được hiểu đơn giản là giấy phép hoặc giấy chứng nhận cho phép chủ sở hữu phát thải khí CO2 hoặc các loại khí nhà kính khác. Mỗi tín chỉ giới hạn lượng phát thải đến 1 tấn CO2. Mục tiêu của tín chỉ carbon là giảm phát thải khí nhà kính vào khí quyển. 

Nguyên tắc cơ bản của thị trường trao đổi tín chỉ carbon (thị trường carbon) là bên phát thải lớn sẽ trả phí để nhận thêm các tín chỉ, hạn ngạch phát thải nhằm đạt được các mục tiêu giảm nhẹ.

Các chuyên gia nhận định, thị trường tín chỉ carbon sẽ là cú hích cần thiết để thúc đẩy những thực hành tốt trong bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế xanh.

Bà VŨ CHI MAI, Giám đốc Dự án Năng lượng sạch, Giá cả phù hợp và Bền vững cho các quốc gia Đông Nam Á: “Các sản phẩm xuất khẩu khác của Việt Nam cũng có nhiều thuận lợi khi vào các thị trường khó tính như EU, và nhu cầu có sản phẩm xanh cũng dẫn tới việc sử dụng năng lượng xanh”.

Bà NGÔ THỊ TỐ NHIÊN, Giám đốc điều hành VIETSE: "Ngoài việc căn cứ vào mức tiêu thụ năng lượng, về bản chất khi mà nói về chứng chỉ carbon thì nó căn cứ rất nhiều vào mức tiêu thụ năng lượng. Thế nên các doanh nghiệp phải chuyển đổi tư duy từ việc làm có lãi sang việc vậy là tôi đã tiêu thụ bao nhiêu năng lượng để sản xuất ra sản phẩm đó. Từ đó chuyển đổi sang chứng chỉ carbon thì như thế nào?"

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện Việt nam cũng đang xây dựng thị trường tín chỉ carbon trong nước. Dự kiến tới năm 2027 Việt Nam sẽ có thị trường tín chỉ carbon. Tuy nhiên theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiện các doanh nghiệp, hiệp hội hiện còn chưa nắm rõ, chưa đánh giá được vai trò của mình, cũng như các yêu cầu, quy định mới có khả năng ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh để đồng hành với quyết tâm của Chính phủ, vì chưa có những kênh thông tin cung cấp các khía cạnh liên quan trực tiếp tới doanh nghiệp. 

Ông TOSHIHIDE SUGAWARA, Tổng giám đốc Công ty Yuko-Keiso: “Tôi cho rằng, điều quan trọng đối với sự phát triển trong tương lai của Việt Nam là nâng cao nhận thức bằng cách tổ chức các cuộc hội thảo, sự kiện, trao đổi và học tập kinh nghiệm. Trong đó, các công ty và Chính phủ sẽ đóng vai trò trung tâm.” 

TRỤ PHÁT SÓNG DI ĐỘNG CHẠY BẰNG NĂNG LƯỢNG GIÓ

Những năm gần đây, trong bối cảnh con người tìm kiếm những nguồn điện năng khác để bảo vệ môi trường, giảm sự phụ thuộc vào các nhiên liệu hóa thạch và máy móc, năng lượng gió đã bắt đầu được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.

Hãng Vodafone mới đây đã lắp đặt một trụ phát sóng viễn thông tự hoạt động mà không cần điện, đầu tiên tại Vương quốc Anh, với kỳ vọng đây có thể là giải pháp bao phủ vùng phủ sóng ở các khu vực xa xôi.

Bà SUKI GILLILAND, Giám đốc Năng lượng Cấp cao tại Vodafone thuộc Vương quốc Anh: “Đây là trụ phát sóng di động tự cung cấp năng lượng, tích hợp năng lượng gió và năng lượng mặt trời, một phần trong nỗ lực đổi mới của chúng tôi trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, với mong muốn giảm lượng khí thải carbon của mình.”

Năng lượng có thể được tạo ra ngay cả khi gió nhẹ. Vodafone cho biết nó có thể được lắp đặt mà không cần dây cáp điện, điều này giúp giảm tác động đối với môi trường địa phương và các yêu cầu bảo trì. Mục đích phục vụ các khu vực mà trước đây các nhà cung cấp viễn thông khó tiếp cận.

Bà SUKI GILLILAND, Giám đốc Năng lượng Cấp cao tại Vodafone thuộc Vương quốc Anh: “Chúng tôi tích hợp tuabin gió vào cột buồm; đây là lần đầu tiên. Đây là tuabin gió hoạt động ở tốc độ thấp, do đó nó có độ rung tối thiểu và có thể hoạt động ngay cả khi tốc độ gió thấp, do đó tạo ra điện lâu hơn.”

Để duy trì hoạt động liên tục, trụ viễn thông này được trang bị bộ pin, vốn sẽ kích hoạt trong thời điểm không có năng lượng gió. Ngoài ra Vì đang trong quá trình thử nghiệm Trụ viễn thông này vẫn được kết nối với lưới điện như một giải pháp dự phòng. Vodafone cho biết những trụ này sẽ giúp họ giảm lượng khí thải carbon và đạt được mục tiêu phát thải bằng không ở Anh vào năm 2027. Theo các chuyên gia, hướng đi này là cần thiết trong bối cảnh chi phí điện tăng cao, nhưng cũng cho thấy nỗ lực của các công ty tìm cách giảm lượng phát thải carbon, bảo vệ môi trường. Chính phủ Anh cho biết sẽ khuyến khích xây dựng nhiều hơn các nhà máy điện gió trên bờ với giá rẻ hơn các tuabin điện gió ngoài khơi, cho rằng đây là cách nhanh nhất, rẻ nhất và dễ nhất để cải thiện an ninh năng lượng của Anh.

CÀ MAU: NGƯỜI PHỤ NỮ KHỞI NGHIỆP TỪ LÁ BỒN BỒN

Bồn Bồn là loại cây khá nổi tiếng được trồng rất nhiều tại tỉnh Cà Mau. Người trồng chủ yếu thu hoạch phần thân non dùng trong chế biến các món ăn. Tận dụng các phế phẩm từ lá Bồn Bồn bỏ đi, chị Phạm Thị Hồng Nguyên ở xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau đã tìm tòi học hỏi và tận dụng đan thành những túi xách trông rất đẹp mắt và thu hút được nhiều chị em phụ nữ nhàn rỗi ở nông thôn.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, sau khi ra trường, chị Hồng Nguyên đi làm công nhân tại tỉnh Bình Dương. Tại đây, thấy nhiều người sử dụng lục bình đan thành túi xách trông rất đẹp mắt. Năm 2019, chị quyết định về quê khởi nghiệp đan túi xách từ lá bồn bồn.

Chị PHẠM THỊ HỒNG NGUYÊN, Xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau: "Em có tìm hiểu trên mạng thì biết được lá bồn bồn có thể làm đồ thủ công mỹ nghệ nên em quyết định làm và tạo ra sản phẩm hôm nay. Hiện nay thị trường thì em bán trên mạng, cửa hàng trưng bày ở Cà Mau và thành phố Hồ Chí Minh."

Theo chị Hồng Nguyên để làm ra một chiếc túi xách từ bồn bồn đảm bảo chất lượng tốt, lá bồn bồn phải được phơi vừa đủ nắng, đảm bảo đủ độ dai nhưng phải sáng màu, khi đan lên mới đẹp mắt. Nhận thấy hiệu quả của mô hình, nhiều chị em phụ nữ ở địa phương tìm đến học nghề và đem về nhà tự làm để có thêm thu nhập.

Bà NGUYỄN THỊ HỒNG SA, Xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau: "Tôi rất mừng vì đồ bỏ đi ở địa phương mà làm ra sản phẩm quý như thế này và giúp ích cho địa phương."

Bà NGUYỄN THỊ HẠNH, Xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau: "Phụ nữ ở đây thì cũng có đi làm ăn xa rồi giờ về đây cô Nguyên chỉ dạy rồi vừa làm việc nhà mà cũng vừa làm luôn nên thuận tiện."

Mặc dù mới xuất bán gần đây nhưng lượng khách ngày càng tăng lên do sản phẩm làm từ thủ công nên được người sử dụng cảm thấy an tâm và thích thú. Hiện tại, mỗi sản phẩm túi xách từ bồn bồn có giá từ 200 đến 600 ngàn đồng tùy theo kích thước và mẫu mã.

Chị NGUYỄN KIỀU MY, Chủ tịch Hội LHPN xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau: "Tôi thấy mô hình này rất mới lạ vì từ cây bồn bồn ăn mà chị Nguyên đã nghỉ đến việc làm đồ thủ công mỹ nghệ. Hướng tới thì Hội sẽ phối hợp với UBND xã, Hội Phụ nữ huyện và tỉnh sẽ thành lập Hợp tác xã để nhân rộng sản phẩm OCOP."

Chị Hồng Nguyên chia sẻ hướng tới sẽ thành lập hợp tác xã và đăng ký sản phẩm OCOP để phát triển sản phẩm. Qua đó, không chỉ tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ nông thôn mà còn phát triển sản phẩm xanh, góp phần bảo vệ môi trường.

Bảo vệ môi trường sống chính là trách nhiệm chung của cả cộng đồng từ những hành động nhỏ nhất trong cuộc sống thường ngày. Khi toàn xã hội cùng chung tay thì dù chỉ từ những hành động nhỏ ấy nhưng lại có thể đem lại những ý nghĩa và hiệu quả vô cùng lớn lao.

Hiền Trang